Tổng thống Mỹ Joe Biden ghi dấu ấn khi lôi kéo số lớn đồng minh gồm EU, Anh, Canada, Úc, New Zealand đổ xô chỉ trích Trung Quốc từ suốt hôm qua đến rạng sáng nay.

Mỹ bắn pháo hiệu, lập tức EU, Anh, Canada, Úc, New Zealand đổ xô chỉ trích Trung Quốc trong 24 giờ qua

Anh Tú | 23/03/2021, 07:11

Tổng thống Mỹ Joe Biden ghi dấu ấn khi lôi kéo số lớn đồng minh gồm EU, Anh, Canada, Úc, New Zealand đổ xô chỉ trích Trung Quốc từ suốt hôm qua đến rạng sáng nay.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada lần lượt công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc sau cáo buộc liên quan đến tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

trung-quoc-my.jpg

Ngay sau cuộc họp căng thẳng giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, nhiều động thái ngoại giao chĩa mũi nhọn vào phía Trung Quốc.

Liên minh châu Âu bất ngờ là địa chỉ “nổ súng” đầu tiên vào hôm qua 22.3 khi thông báo sẽ trừng phạt bốn quan chức Trung Quốc và một công ty phục vụ quốc phòng của Trung Quốc với lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản – hành động mạnh mẽ nhất của châu Âu kể từ lệnh cấm vận vũ khí sau vụ sự kiện năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn. Trung Quốc nhanh chóng phản ứng với lệnh trừng phạt trả đũa với châu Âu.

Các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đưa ra nhằm vào các thành viên gay gắt với Bắc Kinh tại Nghị viện châu Âu. Những người trong danh sách và gia đình của họ bị cấm du lịch đến Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Macao, hoặc làm ăn với Trung Quốc.

Nhưng phản ứng của Trung Quốc không khiến phương Tây lùi bước. Không lâu sau, Mỹ, Canada và Anh đã nhảy vào cuộc. Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố khuya qua rằng Mỹ sẽ điền thêm hai cái tên vào danh sách trừng phạt vì dính líu đếnTân Cương.

Lần đầu tiên, Anh cam kết áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức và tổ chức của Trung Quốc giống như E.U. Trong khi đó, Canada cho biết họ sẽ làm như vậy.

Tuyên bố của Mỹ, Anh và Canada nhấn mạnh rằng các động thái này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ. “Chúng tôi thống nhất với Vương quốc Anh, Canada và EU trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người lạm dụng nhân quyền”, Blinken viết trên twitter.

Mọi việc chưa dừng lại ở đó khi rạng sáng nay 22.3, Úc và New Zealand đồng thanh hưởng ứng các đồng minh.

Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết có bằng chứng rõ ràng về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương của Trung Quốc, đồng thời cho biết họ hoan nghênh các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc của các quốc gia phương Tây khác.

Việc Úc phản ứng Trung Quốc là tín hiệu khá bất ngờ vì thời gian qua Úc có ý định xuống nước trước việc Bắc Kinh trừng phạt thương mại, siết chặt nhập khẩu hàng Úc. Nhưng bất ngờ hơn là việc New Zealand cũng lên tiếng rõ ràng đứng về phía phương Tây vì trước đó, New Zealand chọn cách im lặng để bảo vệ các lợi ích thương mại với Trung Quốc, tránh theo bước Úc.

Do vậy, mặc dù các biện pháp trừng phạt phần lớn chỉ mang tính biểu tượng, nhưng chúng chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ nhiều lần nêu lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc nhưng phần lớn lại làm vậy một mình. Chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập hợp các đồng minh, nói rằng quy mô của thách thức đòi hỏi hành động tập thể. Các động thái đầu tuần qua dường như là một bước đi theo hướng đó.

Các biện pháp mới đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Biden trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì thứ mà họ gọi là "chiến dịch diệt chủng”. Từ "diệt chủng" được cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dùng hồi tháng 1 để mô tả tình hình ở Tân Cương và giờ được người kế nhiệm Blinken tái sử dụng.

Bất chấp báo cáo từ phương Tây và cả từ cơ quan thuộc LHQ kèm hình ảnh vệ tinh và lời khai của nhân chứng, Bắc Kinh phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Thay vào đó, Trung Quốc khẳng định người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Hồi giáo khác đang phát triển mạnh ở Tân Cương, được học nghề tập trung chứ không phải bị giam giữ.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới Nhật và Hàn Quốc để thúc đẩy 2 đồng minh quan trọng tại Đông Á cùng hưởng ứng trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Việc hợp tác chung giữa Nhật và Hàn Quốc gặp bế tắc trong thời gian qua do 2 nước có nhiều bất đồng.

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook đã bắn tín hiệu cho thấy nước này có thể đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nhật Bản để tăng cường an ninh.

Bộ trưởng Suh Wook chia sẻ với Bloomberg: “Liên minh Mỹ-Hàn là điều bảo vệ bán đảo Triều Tiên nhưng chúng tôi tin rằng hợp tác Hàn Quốc-Nhật Bản cũng là một tài sản giá trị. Đó là lý do chúng ta nên duy trì quan hệ này”.

Ông Suh Wook nhấn mạnh: “Có những vấn đề liên quan tới lịch sử nhưng chúng tôi cảm thấy quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản là cần thiết về mặt hợp tác quốc phòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại quân sự và duy trì hợp tác trong tương lai”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bắn pháo hiệu, lập tức EU, Anh, Canada, Úc, New Zealand đổ xô chỉ trích Trung Quốc trong 24 giờ qua