Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp tìm kiếm sự giúp đỡ từ công ty tư vấn nghề nghiệp.

Nhiều lao động Trung Quốc chi nghìn đô cũng không tìm được việc

Cẩm Bình | 22/03/2021, 09:22

Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp tìm kiếm sự giúp đỡ từ công ty tư vấn nghề nghiệp.

George Zhao du học Anh trở về Thượng Hải vào tháng 9.2019. Anh lo lắng chuyện tìm việc do gần kết thúc đợt cao điểm tuyển dụng mùa thu nên quyết định chi 36.000 Nhân dân tệ (5.500 USD) mua gói dịch vụ 6 tháng của UniCareer – đơn vị tư vấn nghề nghiệp hàng đầu Trung Quốc.

Dịch vụ cung cấp 10 bài học nhóm nhỏ bởi “người huấn luyện” được giới thiệu là chuyên gia trong nhiều ngành nghề, 5 bài học một kèm một từ viết lý lịch cho đến trả lời phỏng vấn, và giá trị nhất là giới thiệu công ty phù hợp với Zhao. UniCareer đảm bảo hoàn 70% tiền nếu Zhao không nhận được đề nghị tuyển dụng phù hợp lúc dịch vụ hết hạn.

UniCareer sau đó kéo dài thời hạn gói đến tháng 11 (không cần đóng thêm phí) vì dịch bệnh COVID-19, nhưng Zhao chẳng nhận được nhiều giới thiệu. Đến tháng 4, anh tự kiếm được việc.

Khi Zhao nộp đơn xin hoàn tiền, UniCareer liên tục trì hoãn mà không nêu lý do rõ ràng. Kể từ cuối tháng 2 anh mất liên lạc với công ty vì người phụ trách gói dịch vụ không trả lời tin nhắn nữa.

Zhao không phải trường hợp duy nhất, năm ngoái số lời khiếu nại các công ty tư vấn nghề nghiệp lớn tăng vọt. Dịch bệnh làm giảm cơ hội việc làm, khiến mô hình kinh doanh này nhận nhiều hoài nghi.

Sự bùng nổ của công ty tư vấn nghề nghiệp một phần do lực lượng lao động Trung Quốc trẻ mong muốn sở hữu lợi thế nhất định trên thị trường việc làm khốc liệt chuẩn bị đón nhận thêm hơn 9 triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè năm nay.

job00.jpg
Thị trường việc làm Trung Quốc cạnh tranh rất khốc liệt - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo thống kê tổ chức nghiên cứu LeadLeo thực hiện, doanh thu ngành tư vấn nghề nghiệp tăng gấp hơn 3 lần kể từ năm 2014. Khách hàng chủ yếu là du học sinh đủ khả năng tài chính chi trả dịch vụ lên đến 50.000 tệ.

Trang tìm việc Zhaopin cho biết năm 2020 có số lượng du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp về nước tìm việc tăng hơn 67% so với năm 2019, khi kinh tế toàn cầu chìm trong khó khăn do COVID-19.

“Suốt thời kỳ đại dịch, nhiều công ty tư vấn du học thường giúp sinh viên nộp đơn xin học đại học ở nước ngoài cũng bắt đầu chuyển hướng sang dịch vụ tư vấn nghề nghiệp cho khách. Công ty tư vấn du học như vậy lại là nguồn khách hàng chính cho công ty cung cấp dịch vụ đào tạo nghề nghiệp”, nhà nghiên cứu Tanya Wang chuyên quan sát ngành tư vấn nghề nghiệp cho hay.

job01.jpg
Tỷ lệ lao động thất nghiệp của Trung Quốc hiện ở mức trên 5% - Ảnh: SCMP

Nhưng cùng lúc đó, tin tức công ty tư vấn/đào tạo nghề nghiệp gặp khó khăn tài chính bắt đầu xuất hiện. Năm ngoái truyền thông từng đưa tin Zhiwen - đơn vị tư vấn được tập đoàn công nghệ lớn Tencent hậu thuẫn - không trả lương cho nhân viên và chậm hoàn trả tiền cho khách hàng suốt nhiều tháng vì cạn vốn.

Các công ty thường tung ra một gói dịch vụ cực kỳ đắt - và cũng gây tranh cãi nhất - chính là “đảm bảo tìm được việc”: giới thiệu việc làm và hoàn tiền nếu không nhận được đề nghị tuyển dụng phù hợp lúc hết hạn. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Wang khuyến cáo chỉ nên xem đây như “dịch vụ VVVVVIP” chứ không phải “dịch vụ VIP”.

“Chẳng qua là ván cược mà thôi: muốn vào làm cho doanh nghiệp lớn như Baidu, Alibaba hay Tencent thì trả 50.000 tệ, không được thì nhận lại 80% tiền. Mục đích chỉ nhằm có thêm chút lợi thế trên thị trường mà thôi”, nhà nghiên cứu Wang giảng giải.

Chất lượng của dịch vụ khác xa những gì quảng cáo. Du học sinh Jane Xu trở về từ Nhật Bản chia sẻ: “Mỗi tháng công ty tư vấn gửi cho bạn một bảng danh sách tuyển dụng mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác. Tất cả việc họ làm là thu thập thông tin. Tôi chỉ nhận được lời mời phỏng vấn cho 1 vị trí yêu cầu dùng tiếng Nhật từ doanh nghiệp vô danh”.

Xu bỏ ra 33.000 tệ cho gói dịch vụ “bảo đảm tìm được việc” với hứa hẹn ít nhất 3 lần mời phỏng vấn và hoàn 80% tiền nếu không được tuyển dụng. Cuối cùng cô cũng vẫn phải tự tìm việc, còn tiền UniCareer cam kết hoàn phải đến 6 tháng sau (đầu tháng 3.2021) mới được trả lại.

“Tôi thấy họ kiếm tiến bằng cách bán vài khóa đào tạo kèm giới thiệu người cho nội bộ công ty khác. Họ lấy tiền của khách hàng mới hoàn trả cho khách hàng cũ. Một khi khách hàng mới ít đi thì họ gặp rắc rối”, theo Xu.

Nhìn lại quãng thời gian trước đó, Zhao nhận ra công ty kiểu như UniCareer lợi dụng tâm lý lo lắng của người trẻ tuổi để kiếm tiền. Thông điệp gây lo lắng chẳng hạn “Làm thế nào kiếm tiền mua lại căn nhà mà gia đìnhbạn đã bán?” hay “Bạn không phải luật sư giỏi nếu không nhìn thấy cảnh trung tâm Bắc Kinh lúc 4 giờ sáng” tràn lan trên trang web các công ty tư vấn/đào tạo nghề nghiệp.

Zhao khẳng định: “Dịch vụ chẳng cải thiện kỹ năng tìm việc. Thứ mà “người huấn luyện” dạy đầy rẫy trên mạng còn kỹ năng phỏng vấn giống với giao tiếp thông thường thôi”.

Bài liên quan
Elon Musk được Trung Quốc ưu ái để xây nhà máy Tesla, các nhà làm luật Mỹ lo ngại
Elon Musk được chính phủ Trung Quốc ưu ái đặc biệt để xây dựng nhà máy Tesla ở nước này, nhưng điều đó có thể khiến ông dễ bị Bắc Kinh áp đặt, theo tờ The New York Times.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
6 phút trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều lao động Trung Quốc chi nghìn đô cũng không tìm được việc