Đài Loan đang xây dựng khả năng phòng thủ trong giao tranh phi đối xứng, cũng được gọi là chiến lược “nhím xù lông”.

Mỹ bán vũ khí cho chiến lược ‘nhím xù lông’ của Đài Loan

Bảo Vĩnh | 07/08/2022, 10:00

Đài Loan đang xây dựng khả năng phòng thủ trong giao tranh phi đối xứng, cũng được gọi là chiến lược “nhím xù lông”.

harpoon.jpg
Tàu chiến USS Coronado (LCS 4) lần đầu phóng tên lửa chống hạm Harpoon - Ảnh: US Navy

Dù được Mỹ hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ nhưng Đài Loan vẫn khó “ngang cơ” với quân đội Trung Quốc đã được hiện đại hóa từ hàng chục năm. Sự chênh lệch này khiến Đài Loan có chiến lược “nhím xù lông” - cụm từ một số quan chức sử dụng để chỉ vùng lãnh thổ tua tủa những gai nhọn là vũ khí và các hỗ trợ khác, có thể tung đòn đáp trả đau đớn nếu bị tấn công.

Chiến lược này liên quan việc sử dụng các vũ khí nhỏ nhưng hiệu quả cao để chống lại đối thủ lớn hơn. Ukraine đã thành công trong việc ngăn chặn đợt tiến công đầu tiên của Nga là bắn tên lửa vác vai để phá hủy xe tăng, một sự vận dụng thành công chiến lược “nhím xù lông”.

Quan chức Mỹ đang lấy bài học từ Ukraine để áp dụng vào Đài Loan, với hy vọng lực lượng của hòn đảo sẽ mạnh mẽ hơn, có khả năng đẩy lùi cuộc đổ bộ bằng đường biển của Trung Quốc.

Hồi tháng 5, báo New York Times và trang tin Politico nêu Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên Đài Bắc nên chú ý mua khí tài quân sự phù hợp để phòng thủ tốt hơn, thay vì cố gắng mua các vũ khí đắt tiền như trực thăng săn ngầm.

Từ thời chính phủ Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã phê duyệt việc bán các vũ khí phù hợp với kiểu giao tranh phi đối xứng, như tên lửa chống hạm Harpoon, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, tên lửa vác vai Stinger và máy bay không người lái được mệnh danh “thợ săn sát thủ” MQ-9.

Không hẳn tất các đơn đặt hàng mua vũ khí đã được giao cho Đài Loan do những vấn đề trong khâu sản xuất và chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine. Từ đó, đã có những chỉ trích rằng Mỹ quá chậm trong việc đưa vấn đề giúp Đài Loan phòng thủ vào danh mục ưu tiên quan tâm an ninh quốc gia.

Mỹ là nước ủng hộ mạnh về quân sự cho Đài Loan, bán các vũ khí cần thiết và công nghệ quốc phòng cho đảo tự trị. Từ hàng chục năm nay, Washington bán nhiều vũ khí cho Đài Bắc dựa vào Luật Quan hệ Đài Loan vốn cho phép cung cấp vũ khí cho hòn đảo này. Từ năm 2019, Đài Loan đã đặt mua khí tài quân sự Mỹ với giá ít nhất là 17 tỉ USD, trong đó có đơn đặt mua 66 chiến đấu cơ F-16 với giá 8 tỉ USD từ thời ông Trump, theo trang tin quốc phòng Defense News.

Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã duyệt đề xuất cung cấp gói dịch vụ “hỗ trợ kỹ thuật quân sự” trị giá 108 triệu USD cho Đài Loan. Lầu Năm Góc cho biết Đài Loan yêu cầu các bộ phận thay thế và sửa chữa cho xe tăng, phương tiện chiến đấu, hệ thống vũ khí chiến đấu và các mặt hàng hỗ trợ hậu cần.

Trước đó vào tháng 1, khi Trung Quốc đưa máy bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, cơ quan lập pháp của hòn đảo đã duyệt tăng 8,6 tỉ USD vào khoản chi phòng vệ, đa phần sẽ là để sản xuất vũ khí chống hạm.

Trung Quốc mở “chiến tranh tâm lý chiến lược”

Nhà phân tích Tôn Tử Vân ở Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Đài Loan nói dù quân đội Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự “lớn chưa từng có” bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 4 đến 7.8, nguy cơ leo thang căng thẳng lại “rất nhỏ” vì giao tranh vào lúc này “rất không thuận lợi cho Bắc Kinh” và không bảo đảm Trung Quốc giành chiến thắng.

Nhà phân tích còn nói các cuộc tập trận này là “chiến tranh tâm lý chiến lược” nhắm vào Đài Loan, và là một chỉ dấu Bắc Kinh muốn “phòng tránh quân sự Mỹ ủng hộ Đài Loan”.

Trung Quốc đã mở cuộc tập trận nhằm phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Mỹ sẽ không can thiệp chỉ vì Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan trong tuần này, theo lời Lev Nachman, một giáo sư khoa chính trị ở Đại học Chengchi ở Đài Loan.

“Tôi nghĩ đó là một chiến thuật hù dọa, và nếu Mỹ xét nên đổi chiến lược mập mờ thì điều đó cho thấy Bắc Kinh rất thành công trong việc hù dọa tất cả mọi người”, ông Lev Nachman nói.

Nhưng có ý kiến chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là một động thái nguy hiểm, trong khi điều Washington cần thật sự là làm việc phía sau hậu trường để củng cố khả năng phòng thủ của Đài Loan vào lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự quanh hòn đảo tự trị.

“Chúng ta nên tập trung vào quan hệ song phương với Đài Loan ở cấp độ thấp nhưng đi kèm là các hành động có tính tác động cao để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan. Một chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lại gần như ngược với mục tiêu này”, theo lời Kharis Templeman, chuyên gia về Đài Loan ở Viện Hoover thuộc Đại học Stanford.

Hiện tại, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Biển Đông là cách răn đe chủ lực đối với Trung Quốc tại khu vực. Vì vậy, mục đích chuyến thăm châu Á tuần qua của bà Pelosi là nuôi dưỡng quan hệ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước châu Âu như Pháp, Anh cũng tham gia hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do đi lại (FONOP) ở những vùng biển quốc tế nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý.

Mỹ nên chuyển từ “chiến lược mơ hồ” sang “chiến lược rõ ràng”?

Mỹ công nhận Trung Quốc là quốc gia duy nhất và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng tiếp tục cung cấp vũ khí cho hòn đảo tự trị. Trong Luật Quan hệ Đài Loan ký năm 1979, Washington duy trì quan điểm “chiến lược mơ hồ”, có nghĩa không bảo đảm Mỹ can thiệp quân sự nhưng cũng không loại trừ khả năng này.

Các tuyên bố gần đây của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ sẽ “bảo vệ” Đài Loan nếu hòn đảo bị Trung Quốc tấn công - đã gây hoang mang, buộc Nhà Trắng phải cải chính rằng Washington không thay đổi quan điểm về không can thiệp.

Trong giới lập chính sách đối ngoại Mỹ đã có vài kêu gọi Mỹ đổi quan điểm vì Trung Quốc đã xây dựng khả năng quân sự lớn mạnh, và sức mạnh quân sự của Mỹ đã thua kém Trung Quốc.

Richard Haass, chủ nhiệm Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, viết trên trang Foreign Affairs rằng Washington cần chuyển từ “chiến lược mập mờ” sang “chiến lược rõ ràng”.

Ông viết: “Chiến lược cũ chỉ hiệu quả khi Đài Loan và Mỹ chiếm ưu thế về quân sự trước Trung Quốc. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã hiện đại hóa và khoét sâu thêm chênh lệch năng lực. Washington cần nhận định Đài Loan là quan tâm hàng đầu của Bộ Ngoại giao và cung cấp nguồn lực xứng đáng”.

Bài liên quan
Nhiều ý kiến về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tuần qua vẫn đến thăm Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bán vũ khí cho chiến lược ‘nhím xù lông’ của Đài Loan