Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tuần qua vẫn đến thăm Đài Loan.
Trung Quốc phản ứng lại bằng một cuộc tập trận bắn đạn thật. Hơn 100 máy bay chiến đấu tiếp cận Đài Loan như đang tiến hành phong tỏa đảo tự trị.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) nhận xét chuyến thăm của bà Pelosi quá khờ dại: “Đổ thêm dầu vào lửa chẳng giúp gì cho Đông Nam Á vốn phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế và đang phải đối phó với sự hiếu chiến về địa chính trị của Bắc Kinh. Bây giờ Bắc Kinh chắc chắn sẽ cứng rắn hơn”.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Đại học Malaya, Malaysia) Ngeow Chow Bing cũng cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi là động thái gây rối loạn không cần thiết vì nữ chính trị gia đến Đài Loan vào thời điểm Đông Nam Á đang vất vả hồi phục kinh tế, đối phó với tình trạng số ca COVID-19 tăng trở lại, an ninh lương thực bị đe dọa cùng lạm phát tăng cao vì cuộc chiến tại Ukraine.
Theo thành viên Tổ chức Giao lưu Đài Loan - châu Á (TAEF) Sana Hashmi, một cuộc xung đột Mỹ - Trung tiềm tàng sẽ tạo ra bất ổn trong khu vực. Trung Quốc chắc chắn tăng cường đe dọa Đài Loan và bị các quốc gia Đông Nam Á xem như “kẻ gây hấn”.
Phó giáo sư Chong Ja Ian (Đại học quốc gia Singapore) nhận định Trung Quốc thông qua tập trận đang cố gửi đến Đông Nam Á và các nơi khác thông điệp ủng hộ Đài Loan là hành vi rủi ro và tốn kém, còn hành vi của Mỹ mang tính khiêu khích. Các quốc gia Đông Nam Á trong ngắn hạn có thể cảm thấy sợ hãi và về dài hạn ngày càng nghi ngờ Trung Quốc, xem Trung Quốc là quốc gia bắt nạt.
Tác dụng đe dọa sẽ giảm dần theo thời gian, nếu muốn đạt mức độ đe dọa tương tự trong tương lai Trung Quốc cần mạnh tay hơn nữa.
Giảng viên quan hệ quốc tế Rifki Dermawan (Đại học Andalas, Indonesia) cho rằng cả vấn đề Đài Loan lẫn vấn đề Biển Đông đều liên quan đến của Trung Quốc và sự hiện diện của Mỹ, nên rất có khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện hành động tương tự ở Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Lucio Blanco Pitlo III thuộc tổ chức Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương (Philippines), nguy cơ xung đột nổ ra do giọng điệu cứng rắn và tập hợp lực lượng ở điểm nóng có thể khiến các quốc gia trong khu vực suy nghĩ kỹ về việc tổ chức tập trận hay tuần tra chung, đặc biệt là tập trận hay tuần tra khoa trương bị cho nhắm vào một quốc gia thứ 3 nào đó.
Philippines - đồng minh Mỹ nằm rất gần eo biển Đài Loan - có khả năng bị liên lụy vì nước này có hàng nghìn công dân đang làm việc tại Đài Loan. Manila có thể đang xây dựng kế hoạch cho trường hợp tình hình leo thang đòi hỏi phải tiến hành sơ tán công dân.
Nguy cơ ASEAN bị chia rẽ
Ông Bing cho rằng các quốc gia Đông Nam Á vẫn tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”. Sau chuyến thăm của bà Pelosi, họ sẽ cẩn trọng hơn trong hợp tác với Đài Loan, duy trì quan hệ ở mức phi chính thức.
Nhà nghiên cứu Pitlo lo ngại chuyến thăm của bà Pelosi có thể gây chia rẽ trong ASEAN do mỗi quốc gia thành viên có quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ở mức độ khác nhau.
“Do lo lắng Mỹ dẫn dắt khiến một số nước tăng cường quan hệ với Đài Loan, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh kêu gọi tuân thủ “một Trung Quốc”, không ngần ngại chỉ trích quốc gia đứng về phía Đài Loan”, theo nhà nghiên cứu Pitlo. Phó giáo sư Jan cũng cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á phải sống trong tình hình cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên gay gắt hơn.