Các quan chức Hải quan và Biên phòng Mỹ chuẩn bị cấm nhập khẩu bông và cà chua từ vùng Tân Cương, phía tây Trung Quốc vì cáo buộc chúng được sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức.

Mỹ chuẩn bị cấm nhập khẩu bông, cà chua từ Tân Cương vì Trung Quốc cưỡng bức lao động

09/09/2020, 11:00

Các quan chức Hải quan và Biên phòng Mỹ chuẩn bị cấm nhập khẩu bông và cà chua từ vùng Tân Cương, phía tây Trung Quốc vì cáo buộc chúng được sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức.

Mỹ chuẩn bị cấm nhập khẩu cà chua từ Tân Cương

Phát ngôn viên của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết thông báo từ chính quyền Tổng thống Donald Trump về các hành động đã bị hoãn lại đến cuối tuần này vì “các vấn đề về lịch trình”.

Lệnh cấm bông và cà chua cùng với 5 lệnh cấm nhập khẩu khác vì cáo buộc lạm dụng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương là động thái chưa từng có của CBP, có khả năng gây căng thẳng thêm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các lệnh này cho phép CBP tịch thu các lô hàng nghi ngờ có liên quan đến lao động bị cưỡng bức theo các luật lâu đời của Mỹ nhằm chống buôn người, lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Chính quyền Trump đang gây áp lực lên Trung Quốc vì cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Liên Hợp Quốc cho biết họ có những báo cáo đáng tin cậy rằng 1 triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương, nơi họ được đưa đến làm việc.

Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại này là trung tâm đào tạo nghề cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Ủy viên trợ lý điều hành CBP - Brenda Smith nói với Reuters rằng lệnh cấm nhập khẩu có hiệu lực sẽ áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến bông, bao gồm sợi bông, hàng dệt và may mặc, cũng như cà chua, bột cà chua và các sản phẩm khác xuất khẩu từ Tân Cương.

Brenda Smith cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi có bằng chứng hợp lý nhưng chưa thuyết phục rằng có nguy cơ lao động bị cưỡng bức trong chuỗi cung ứng liên quan đến hàng dệt bông và cà chua ở Tân Cương. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra để lấp đầy những khoảng trống đó”.

Luật pháp Mỹ yêu cầu cơ quan này phải tạm giữ các lô hàng khi có cáo buộc lao động bị cưỡng bức, chẳng hạn như từ các tổ chức phi chính phủ, Brenda Smith nói.

Các lệnh cấm có thể có ảnh hưởng sâu rộng với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng may mặc của Mỹ cũng như các nhà sản xuất thực phẩm. Trung Quốc sản xuất khoảng 20% ​​lượng bông của thế giới và phần lớn đến từ Tân Cương. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, bao gồm cả từ Mỹ.

Hiệp hội Bông Trung Quốc, một cơ quan thương mại, từ chối bình luận về vấn đề này.

Một nhà kinh doanh bông có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết tác động có thể hạn chế do Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn bông và 2 triệu tấn bông sợi từ nước ngoài mỗi năm, có thể đủ để sản xuất hàng dệt cho Mỹ. Sản lượng bông của Tân Cương là khoảng 5 triệu tấn.

Ông nói: “Nếu bông Tân Cương đến được với ngành công nghiệp trong nước và các thị trường không phải phương Tây, tác động có thể hạn chế, vẫn có thể được tiêu thụ”. Trong ngắn hạn, nó cũng có thể thúc đẩy nhập khẩu bông vào Trung Quốc, ông này cho biết thêm.

Trung Quốc bị cáo buộc cưỡng bức lao động sản xuất bông ở Tân Cương - ảnh: AP

Vào tháng 3.2020, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất luật có hiệu lực giả định rằng tất cả hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương đều được làm bằng lao động bị cưỡng bức và sẽ yêu cầu chứng nhận rằng không phải như vậy.

Đến tháng 7.2020, Washington đã đưa ra một lời cảnh báo cho biết các công ty kinh doanh ở Tân Cương hoặc các tổ chức sử dụng lao động Tân Cương có thể phải chịu “rủi ro về danh tiếng, kinh tế và pháp lý”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một lá thư tới các công ty hàng đầu Mỹ như Walmart, Apple và Amazon, cảnh báo họ về những rủi ro phải đối mặt khi duy trì chuỗi cung ứng liên kết với vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương.

Trong thông báo dự thảo được Reuters nhìn thấy, CBP cho biết đã xác định các chỉ số lao động bị cưỡng bức liên quan đến chuỗi cung ứng bông, dệt và cà chua, “bao gồm nợ nần, di chuyển không tự do, cô lập, đe dọa, giữ lại tiền lương, điều kiện sống và làm việc tồi tệ”.

Lệnh của CBP sẽ chặn bông do Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương làm ra, quần áo do Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Yili Zhuowan cùng Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh Baoding LYSZD sản xuất.

Ngoài ra, các lệnh được CBP đề xuất sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất tại Khu công nghiệp huyện Lop cũng như Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề số 4 huyện Lop. Các động thái này diễn ra sau vụ tịch thu vào ngày 1.7 với các sản phẩm nối tóc và hàng hóa khác từ Công ty Sản phẩm Tóc Meixin huyện Lop.

Các lệnh của CBP cũng sẽ chặn nhập khẩu các linh kiện máy tính do Hefei Bitland Information Technology (có trụ sở tại tỉnh An Huy, Trung Quốc) sản xuất.

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
14 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ chuẩn bị cấm nhập khẩu bông, cà chua từ Tân Cương vì Trung Quốc cưỡng bức lao động