Trước nỗi lo Nga sắp phát động tấn công quân sự nhắm vào Ukraine, vào ngày 24.1, Mỹ thông báo đặt khoảng 8.500 quân vào trạng thái cảnh giác cao độ.
Số quân trên hiện đồn trú tại Mỹ và đang chờ lệnh sang châu Âu. Chưa rõ đơn vị tác chiến cụ thể nào được triển khai.
Thông qua phân tích dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, các học giả thuộc đại học bang Boise và đại học bang Kansas cho biết, ngoài 8.500 quân nêu trên, Mỹ vẫn còn đến hơn 64.000 quân đang đóng tại châu Âu – trong đó hơn 50% (35.457 quân) đóng tại Đức.
Dù đã giảm đi đáng kể so với thời Chiến tranh Lạnh – đạt đỉnh hơn 400.000 quân năm 1957, nhưng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu vẫn rất đáng kể. Gần 40% quân nhân Mỹ hoạt động ở nước ngoài là tại lục địa già.
Trong vài năm gần đây, sự hiện diện quân sự Mỹ ở nước ngoài là vấn đề gây cãi trong Quốc hội Mỹ. Trọng tâm tranh cãi xoay quanh chi phí khổng lồ để duy trì sự hiện diện này.
Năm 2020, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút 9.500 quân khỏi Đức – quyết định được cho là nhằm mục đích gây sức ép buộc Đức tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Joe Biden không thực hiện điều này sau khi lên nắm quyền.