Mỹ, Nhật và Úc đã tổ chức tập trận chung ở đảo Guam nhằm diễn tập phản ứng trước mối đe dọa từ nguy cơ tên lửa Trung Quốc nhắm vào căn cứ quân quan trọng.
Cuộc tập trận chung này diễn ra tại căn cứ không quân Andersen, đảo Guam từ ngày 3 đến 19.2, gồm nhiều nội dung, trong đó có hoạt động diễn tập không chiến nhằm cải thiện tính linh hoạt và năng lực thông tin liên lạc và diễn tập nhân đạo nhằm ứng phó với thảm họa thiên nhiên trong khu vực.
Chỉ huy phi đội số 36 tại Andersen, tướng Jeremy T. Sloane, cho biết một trong những mục tiêu của cuộc tập trận chung là nâng cao khả năng vận hành từ các sân bay nhỏ, thô sơ với cơ sở vật chất hạn chế.
"Trước một Trung Quốc và Nga ngày đang càng đe dọa tới căn cứ Mỹ. Để thích nghi và đối phó, không quân phải giảm bớt sự phụ thuộc vào các sân bay có cơ sở hạ tầng được trang bị đầy đủ và hiện đại", ông Sloane cho hay.
Các nhà quan sát quân sự nhận định rằng, cuộc tập trận trên nhằm mục tiêu ứng phó với kịch bản các căn cứ của Mỹ bị phá hủy bởi các vụ tấn công tên lửa quy mô lớn từ phía “kẻ thù”. Khi đó, không quân Mỹ phải đảm bảo sở hữu năng lực hoạt động ở các sân bay nhỏ với cơ sở vật chất kém hơn, nhằm nhằm duy trì sức mạn và uy thế của lực lượng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đang xúc tiến tổ chức hội nghị đầu tiên giữa lãnh đạo 4 nước trong khuôn khổ của "Bộ tứ kim cương" (nhóm Quad).
Đề nghị này được đưa ra phù hợp với lập trường của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông muốn củng cố quan hệ giữa các nước đồng minh lớn trong khu vực, mà theo cách nói của Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan là "nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."
Bên cạnh đó, kế hoạch của "Bộ tứ kim cương" diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang gây lo ngại với việc thông qua luật mới cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài. Hiện cả 4 nước trong nhóm Quad đều tỏ ra cảnh giác với các động thái gần đây của Trung Quốc, từ việc bay máy bay quân sự xuất hiện gần Đài Loan và điều tàu vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, đến việc thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Trước đó, bốn nước đã tổ chức hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên vào năm 2019. Tại hội nghị ngoại trưởng lần thứ 2 diễn ra trực tiếp tại Tokyo vào tháng 10 năm ngoái, các nước đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương –T hái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên pháp trị.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của 4 nước đã nhất trí tăng cường đoàn kết để thực hiện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường liên kết với nhiều nước khác. Các ngoại trưởng cũng đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp của nhóm này theo định kỳ thường niên. Ngoài ra, các bên cũng xác nhận thúc đẩy hợp tác thực chất trong các vấn đề khác như an ninh mạng, xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao.