Theo The New York Times, động thái này cho thấy ý định của Tổng thống Vladimir Putin sử dụng xuất khẩu năng lượng của Nga như một tấm gương để trừng phạt và chia rẽ các nhà lãnh đạo châu Âu.

Mỹ cũng phát bực trước kiểu "đánh chọc tức" của Nga

Anh Tú | 01/08/2022, 10:17

Theo The New York Times, động thái này cho thấy ý định của Tổng thống Vladimir Putin sử dụng xuất khẩu năng lượng của Nga như một tấm gương để trừng phạt và chia rẽ các nhà lãnh đạo châu Âu.

Nga đang thực hiện kiểu đánh trên mặt trận khí đốt khiến ngay cả Mỹ cũng cảm thấy khó chịu. Thay vì dứt điểm hẳn thì Nga liên tục chơi nhấn nhá, đẩy châu Âu vào thế chia rẽ.

Hãy điểm lại những gì 3 tháng qua mà Nga thực hiện cuộc chiến khí đốt với phương Tây.

Vào ngày 26.4, Gazprom thông báo họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan qua đường ống Yamal – Châu Âu và đến Bulgaria kể từ ngày hôm sau vì cả hai nước đều không thanh toán đúng hạn cho Gazprom bằng đồng rúp.

Theo hợp đồng trước đó thì các nước EU sẽ thanh toán cho Nga bằng đồng USD. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tiền USD/euro chảy vào túi Nga nhưng do phương Tây lại áp dụng trừng phạt tài chính Nga nên EU nộp tiền USD/euro vào ngân hàng nào thì cũng không thực hiện được lệnh chuyển tiền về Nga. Nga thấy bán hàng mà bị giam tiền như vậy thì tìm cách lách lại luật khi đòi thanh toán bằng đồng rúp mà muốn có rúp thì phải trực tiếp cầm tiền trao đổi với Nga. Hai bên đổ qua đổ lại nhưng dầu trong tay Nga nên có nước EU cũng lách luật dùng USD/euro đi mua rúp từ Ngân hàng Nga để trả tiền mua đồ của Nga. Điều này gây chia rẽ trong khối.

Bất chấp Bulgaria, Ba Lan và Liên minh Châu Âu lên án việc Nga không chịu cung cấp khí đốt, việc thông báo đình chỉ đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng và đồng rúp của Nga đạt mức cao nhất trong 2 năm so với đồng euro trong giao dịch thương mại ở Moscow, theo BBC. Như vậy, dùng trừng phạt tài chính để bóp nát đồng rúp coi như không thành. Nhưng dù sao châu Âu cũng chỉ hơi lo vì đó là tháng 4 và chỉ liên quan đến 2 nước Đông Âu.

Vào ngày 20.5, Gazprom thông báo cho Phần Lan rằng bắt đầu từ 4:00 GMT sáng 21.5, việc vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Phần Lan sẽ bị tạm dừng do nhà bán buôn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Vẫn là lý do cũ nên không có chuyện gì ồn ào. Hơn nữa, khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 5% tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm của Phần Lan nên dùng ít lại cũng không ảnh hưởng gì.

Nhưng vào 14.6, Gazprom đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm dòng khí qua đường ống Nord Stream 1, và viện lý do là Siemens đã không trả các thiết bị máy bơm đúng thời hạn vốn được đưa đến Canada để sửa chữa. Nga đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì là do Canada từ chối trả lại thiết bị đã được gửi đi sửa chữa và cảnh báo rằng việc sử dụng đường ống có thể bị đình chỉ hoàn toàn. Lời giải thích này có vẻ hợp lý vì Canada đang theo lệnh trừng phạt của phương Tây nên không thể trợ giúp cho các công ty kinh doanh năng lượng của Nga. Nhưng Đức thì không chịu vì họ cần khí đốt để phục vụ nền công nghiệp.

Hệ quả, giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu tăng khoảng 30% sau khi Gazprom của Nga giảm nguồn cung cấp khí đốt theo đường Nord Stream 1 cho Đức xuống còn 40% công suất.

Vào ngày 11.7, Nord Stream I đã bị tắt hoàn toàn vì lý do bảo trì. Đức thấy tình hình căng nên muốn trả lại tua bin cho Nga sớm để khơi thông dòng khí. Do lệnh trừng phạt, Canada không thể chuyển tua bin trở lại Nga sau khi sửa chữa. Thấy trả cho Nga cũng dở mà không trả thì dở hơn nên Canada chơi kiểu phủi tay khi gửi tua bin cho Đức, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là hãy giam lại tua bin cho Nga khỏi bơm khí bán cho châu Âu.

Ngày 21.7, Nord Stream I chiếm hơn 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Liên minh Châu Âu (EU), đã hoạt động trở lại ở mức 40% như trước khi ngừng hoạt động 10 ngày để bảo trì thường niên.

Khi châu Âu còn đang lo khí đốt của Nga không biết có về kịp để dự trữ cho mùa đông thì đến 26.7, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố cắt giảm một phần nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Theo đó, bắt đầu từ 27.7, đường ống dẫn khí đốt chính cho Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ hoạt động ở mức 20% công suất. Gazprom lý giải việc cắt giảm này liên quan đến việc bảo trì tua bin của đường ống.

Với lý do tua bin thì châu Âu cũng khó bắt bí Nga vì đây là vấn đề kỹ thuật. Hôm nay thì Nga nói tua bin lỗi do Canada bảo dưỡng mà không trả, mai là do thiếu thiết bị này thiết bị kia trong khi mùa đông thì đã gần kề. Có lẽ Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thấy hơi hối tiếc khi hồi tháng 2 ra lệnh cho Bộ Kinh tế nước này đảm bảo quá trình cấp phép cho đường ống khí đốt sẽ không diễn ra vào thời điểm đó, đồng nghĩa với việc nó sẽ chưa thể đi vào hoạt động dù đã xây dựng xong.

Động thái trên của Đức với dự án đường ống khí đốt trị giá 11 tỉ USD sau khi Nga ngày 21.2 công nhận độc lập 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Nhưng nếu có Nord Stream II thì có lẽ Nga không thể lấy lý do đi bảo trì tua bin để từ chối cấp khí đốt cho Đức. Tất nhiên, Nga có thể tìm lý do khác nhưng họ sẽ không làm thế nếu cảm thấy mắc nợ Đức đã bảo vệ Nord Stream II.

Căng thẳng với phương Tây dâng lên cao, Nga điều chỉnh dòng khí đốt của mình sang EU nhưng chơi bản nhạc nhiều tiết tấu chứ không ổn định chút nào. Lúc thì giảm xuống 40%, lúc thì chẳng có tí nào, lúc lại lên 20%. Thà Nga cắt hẳn khí đốt đi thì các nước châu Âu sẽ tức giận, đoàn kết vì chung một hoàn cảnh. Nhưng không, Tổng thống Vladimir Putin lúc thì Put-in, lúc thì lại Put-out khiến một số nước châu Âu vẫn phải cẩn trọng với hy vọng mình vẫn có khí đốt. Điều này khiến cả khối giữ sự hiềm kỵ với nhau khi thấy thành viên khác chơi ăn mảnh mà điển hình là trường hợp Hungary.

Theo The New York Times, động thái này cho thấy ý định của Tổng thống Vladimir Putin sử dụng xuất khẩu năng lượng của Nga như một tấm gương để trừng phạt và chia rẽ các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua việc nới lỏng hoặc thắt chặt các ống dẫn khí theo tính toán và diễn biến cuộc chiến tại Ukraine. Và ý định đó càng đợi gần đến mùa đông thì càng phát huy hiệu quả cao hơn.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Thông báo của Gazprom không nên gây ngạc nhiên. Nga đang chơi một trò chơi chiến lược ở đây. Biến động dòng chảy vốn đã thấp sẽ tốt hơn là cắt đứt hoàn toàn vì nó thao túng thị trường và tối ưu hóa tác động địa chính trị”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ cũng phát bực trước kiểu "đánh chọc tức" của Nga