Những sự kiện nổi loạn gây chấn động ở Nga đã khiến các quan chức Mỹ vội vã tìm hiểu xem chúng có ý nghĩa như thế nào đối với cơ hội của Ukraine trong cuộc chiến.

Mỹ đánh giá tác động cuộc nổi loạn của Wagner

Hoàng Vũ (theo Politico) | 25/06/2023, 11:58

Những sự kiện nổi loạn gây chấn động ở Nga đã khiến các quan chức Mỹ vội vã tìm hiểu xem chúng có ý nghĩa như thế nào đối với cơ hội của Ukraine trong cuộc chiến.

Lực lượng lính đánh thuê Wagner đã tiến vào thành phố Rostov-on-Don vào sáng 24.6 (giờ địa phương), kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam Nga.

Ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin khẳng định đây là "cuộc hành quân đòi công lý, không phải đảo chính". Wagner sau đó cũng hướng quân tiến về phía thủ đô Moscow, khiến Nga phải mở chiến dịch để đối phó.

Theo Văn phòng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, với sự đồng ý của Tổng thống Vladimir Putin, ông Lukashenko đã sử dụng kênh liên lạc riêng để đối thoại với ông Prigozhin nhằm dàn xếp tình hình. Prigozhin sau đó đã ra lệnh cho binh sĩ ngưng tiến về Moscow và quay lại trại dã chiến của họ.

nga-noi-loan.png
Lính đánh thuê Wagner đứng trên một tòa nhà tại Rostov-on-Don - Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Pesko cho biết, theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đứng ra làm trung gian, Nga bãi bỏ truy tố hình sự với ông Yevgeny Prigozhin vì tội nổi loạn vũ trang. Người đứng đầu Wagner sẽ rời Nga đến Belarus, số chiến binh tham gia hoạt động tiến về Moscow sẽ không bị xử lý.

Tờ Politico tiết lộ giới chức Mỹ đã có nhiều cuộc họp liên ngành vào hôm 23 và 24.6 để đánh giá tác động tiềm tàng của diễn biến tại Nga. Theo đó, cuộc nổi loạn của nhóm lính đánh thuê Wagner có thể mang lại cho Ukraine một cơ hội để đảo ngược tình thế của cuộc phản công.

“Tôi không chắc về tình hình tại Nga có thể làm tổn thương họ như thế nào. Những người khác nói rằng nó có khả năng giúp ích cho Ukraine”, một trong những quan chức chính quyền cấp cao Mỹ (giấu tên) cho Politico biết.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng các sự kiện trong vài giờ và vài ngày tới rất khó dự đoán. Họ nhận định rằng bất kỳ diễn biến hỗn loạn ở quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới sẽ là mối quan ngại sâu sắc.

Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã được các quan chức cấp nội các, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines thông báo tóm tắt về cuộc nổi loạn của tập đoàn Wagner.

Ông Biden hôm 24.6 cũng đã nói chuyện về tình hình ở Nga với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ tướng Olaf Scholz (Đức) và Thủ tướng Rishi Sunak (Anh).

Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra đánh giá chính thức. Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn. Trong khi đó, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết khối quân sự đang “theo dõi tình hình”.

Ukraine thận trọng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận cuộc phản công của nước ông đã gặp nhiều trở ngại khi các lực lượng Nga đã cản trở bước tiến của lực lượng Kyiv trên nhiều mặt trận.

Chính quyền Biden lo ngại rằng việc thiếu thành công rõ ràng trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới sẽ làm xói mòn sự đoàn kết của liên minh và làm phức tạp chính trị của việc tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Bình luận về diễn biến mới nhất tại Nga, ông Zelensky hôm 24.6 cho biết Nga “càng giữ quân đội và lính đánh thuê ở Ukraine càng lâu thì càng có nhiều hỗn loạn”.

Chuyên gia quân sự hàng đầu của Ukraine, trung tướng Ihor Romanenko nói với Aljazeera rằng Kyiv phải đưa ra một "quyết định cơ bản, chiến lược" để đạt được tiến bộ từ tình trạng đang diễn ra ở Nga.

Tuy nhiên, cựu phó tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine cho biết thêm phương Tây chắc chắn sẽ can thiệp để can ngăn Kyiv khỏi những quyết định làm leo thang cuộc chiến nhằm tránh việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Tất nhiên, các đồng minh của chúng tôi sẽ can thiệp, sẽ cố gắng gây ảnh hưởng bằng cách nào đó, theo cách đừng để điều gì đó tồi tệ xảy ra để tránh leo thang, tránh sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đánh giá tác động cuộc nổi loạn của Wagner