Quyết định rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden nhận sự phản đối mạnh mẽ, xuất phát từ lo ngại làm vậy khiến Mỹ chịu nhiều rủi ro.
Ban đầu Mỹ phát động chiến tranh tại Afghanistan là để đáp trả vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, sau này cuộc chiến phục vụ mục đích xây dựng nên một nhà nước với quân đội đủ sức đảm bảo nhóm al Qaeda của Osama bin Laden không thể đe dọa nước Mỹ một lần nữa.
Nay bin Laden đã chết và Mỹ không còn hứng chịu vụ tấn công nghiêm trọng nào khác, Tổng thống Biden cam kết chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này nhằm tập trung sức lực đối phó mối nguy lớn hơn: Nga cùng Trung Quốc.
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Washington với quyết định rút số lính Mỹ còn lại về nước đang chấp nhận đánh cược một cách có tính toán rằng lực lượng cực đoan ở Afghanistan có thể dễ dàng bị quân Mỹ hoặc quân đồng minh đồn trú nơi khác xử lý, do đó ông sẽ không trở thành vị Tổng thống đánh giá thấp khả năng phục hồi và tầm hoạt động của những thế lực vẫn nhắm đến Mỹ này.
Ngày 14.4, Giám đốc CIA William Burns thừa nhận Mỹ chắc chắn sẽ mất một số ưu thế tình báo phục vụ công tác chống chủ nghĩa cực đoan: “Đây là sự thật. Nhưng sau khi rút quân, CIA cùng tất cả đối tác vẫn duy trì được một phần năng lực, đồng thời sẽ xây dựng thêm”.
Lúc Tổng thống Biden lên nắm quyền, tại Afghanistan còn 2.500 - 3.000 lính Mỹ, ít hơn lúc cuộc chiến bắt đầu rất nhiều. Khi con số thương vong do cuộc chiến gây ra giảm xuống thì sự chú ý dành cho nó cũng hạ nhiệt.
Nhưng lo lắng vẫn còn. Giáo sư Stephen Biddle thuộc Đại học Columbia - người từng làm cố vấn cho các chỉ huy Mỹ ở Afghanistan - cảnh báo hoàn toàn có khả năng al Qaeda tái thiết lập căn cứ sau thời điểm Mỹ cùng đồng minh rời khỏi.
Trong thỏa thuận đạt được với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tháng 2.2020, tổ chức Taliban cam kết không để cho al Qaeda hay bất cứ nhóm cực đoan nào khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ triển khai hoạt động đe dọa đến Mỹ. Tuy nhiên mọi chuyện có thể đổ vỡ vì Tổng thống Biden không rút hết quân đúng thời hạn ngày 1.5 mà thỏa thuận đặt ra.
Nguy cơ lớn hơn nữa là lực lượng an ninh Afghanistan sụp đổ, nội chiến giữa nhiều phe phái nổ ra, theo Giáo sư Biddle.
Sự vắng mặt của Mỹ tại Afghanistan còn đem lại nguy cơ khu vực với 2 cường quốc hạt nhân Ấn Độ và Pakistan trở nên bất ổn hơn nữa.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng có nỗi lo tương tự. Trước đây khi tuyên bố đưa thêm quân đến Afghanistan năm 2009, ông nhận định rằng không thể nào chống lực lượng cực đoan phân bố ở Afghanistan - Pakistan bằng quân đồn trú bên ngoài Afghanistan.
12 năm đã trôi qua từ lúc cựu Tổng thống Obama tăng quân, quân đội Afghanistan dường như đã mạnh lên nhưng chính quyền tại đó vẫn chưa thể nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Lầu Năm Góc lại cho rằng nỗ lực chống quân nổi dậy ở Afghanistan và tập trung ở Trung Đông làm cạn kiệt nguồn lực, khiến Mỹ suy yếu.