Các động thái này là để đối phó với sự can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như vụ hack vào năm ngoái nhắm vào các cơ quan chính phủ liên bang. Lần đầu tiên Mỹ liên kết rõ ràng vụ xâm nhập đó với một cơ quan tình báo của Nga.

Chính quyền Biden trục xuất 10 nhà ngoại giao và công bố vòng trừng phạt mới với Nga

Nhân Hoàng | 15/04/2021, 19:25

Các động thái này là để đối phó với sự can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như vụ hack vào năm ngoái nhắm vào các cơ quan chính phủ liên bang. Lần đầu tiên Mỹ liên kết rõ ràng vụ xâm nhập đó với một cơ quan tình báo của Nga.

Chính quyền Biden chuẩn bị công bố các lệnh trừng phạt và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ để đối phó với chiến dịch tấn công quy mô lớn từ Nga xâm nhập các cơ quan liên bang quan trọng, cũng như can thiệp bầu cử.

Các biện pháp trừng phạt, được chính quyền Biden báo trước trong nhiều tuần, sẽ là hành động trả đũa đầu tiên được công bố chống lại Nga vì vụ tấn công mạng lớn năm ngoái, được gọi là vụ hack SolarWinds.

Chính quyền Biden “tin tưởng cao” rằng tình báo Nga đã tiến hành vụ hack SolarWinds vào các hệ thống máy tính của chính phủ và công ty Mỹ.

Trong vụ xâm nhập đó, hacker Nga được cho là đã lây nhiễm mã độc vào phần mềm quản lý mạng Orion của SolarWinds vốn được sử dụng rộng rãi, để truy cập vào mạng của ít nhất 9 cơ quan mà các quan chức Mỹ tin rằng đó là hoạt động thu thập thông tin tình báo nhằm khai thác bí mật của chính phủ.

Bên cạnh vụ hack đó, các quan chức Mỹ vào tháng trước còn cáo buộc rằng Tổng thống Vladimir Putin đã ủy quyền các hoạt động ảnh hưởng để giúp ông Donald Trump trong nỗ lực không thành công để tái đắc cử tổng thống, dù không có bằng chứng nào về việc Nga hoặc bất kỳ ai khác đã thay đổi phiếu bầu hoặc thao túng kết quả.

Các biện pháp trừng phạt sẽ được công bố hôm nay, theo quan chức giấu tên. Khoảng 10 nhà ngoại giao Nga dự kiến ​​sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ, theo một quan chức chính quyền cấp cao khác.

Ngoài ra, chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 32 thực thể và cá nhân vì những nỗ lực do Chính phủ Nga chỉ đạo nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2020.

Bộ Tài chính cũng ban hành chỉ thị nghiêm cấm các tổ chức tài chính Mỹ tham gia vào thị trường sơ cấp với trái phiếu có mệnh giá bằng rúp hoặc không phải rúp được phát hành sau ngày 14.6.2021 bởi Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia của Liên bang Nga, hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga.

Cùng với Liên minh châu Âu, Anh, Úc và Canada, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 8 cá nhân có liên quan đến việc Nga đang chiếm đóng và đàn áp ở Crimea, nơi mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

chinh-quyen-biden-truc-xuat-10-nha-ngoai-giao.jpg
Mỹ dưới thời Biden leo thang căng thẳng với Nga

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được cho gửi thông điệp rõ ràng có tính chất răn đe tới Nga và để ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai, được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Tổng thống Joe Biden đã nói với ông Putin trong tuần này trong lời kêu gọi thứ hai để "giảm leo thang căng thẳng" sau khi Nga tăng cường hoạt động quân sự ở biên giới Ukraine và nói rằng Mỹ sẽ "hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình" liên quan đến sự xâm nhập của Nga, can thiệp bầu cử.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng trước, Tổng thống Biden đã trả lời "Tôi có" khi được hỏi liệu ông có nghĩ ông Putin là một "kẻ giết người".

Ông Putin sau đó đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ, chỉ ra lịch sử của Mỹ về chế độ nô lệ và tàn sát người Mỹ bản địa cùng vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Vẫn chưa rõ liệu các hành động của Mỹ có thực sự dẫn đến thay đổi hành vi hay không, nhất là khi các biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ không thể chấm dứt vấn nạn tấn công mạng từ Nga.

Chính quyền Obama đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ vào năm 2016 để đối phó với sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm đó. Dù Trump thường miễn cưỡng chỉ trích Putin, chính quyền của ông cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao vào năm 2018 vì cáo buộc Nga đầu độc một cựu sĩ quan tình báo ở Anh.

Các quan chức Mỹ vẫn đang vật lộn với hậu quả của vụ hack SolarWinds, vốn đã ảnh hưởng đến các cơ quan bao gồm Bộ Tài chính, Tư pháp, Năng lượng, An ninh Nội địa Mỹ và vẫn đang đánh giá xem thông tin nào có thể đã bị đánh cắp.

Vụ hack làm lộ ra các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng cũng như các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ mạng của chính phủ liên bang Mỹ.

Các hành động mới nhất sẽ đại diện cho vòng trừng phạt lớn thứ hai do chính quyền Biden áp đặt chống lại Nga. Tháng trước, Mỹ đã trừng phạt 7 quan chức cấp trung và cấp cao của Nga, cùng với hơn 10 tổ chức chính phủ, vì một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhắm vào nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và việc ông này bị bắt giam sau đó.

Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Ryabkov gọi Mỹ là đối thủ hôm 13.4, ông Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh với Putin ở nước thứ ba để giải quyết một loạt tranh chấp. Xem chi tiết tại đây.

Điện Kremlin cho biết sẽ đáp trả một cách tử tế và cảnh báo các biện pháp mới của Mỹ sẽ làm giảm cơ hội diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và Tổng thống Vladimir Putin.

Bài liên quan
Nga cảnh báo tàu chiến Mỹ ở Biển Đen tránh xa Crimea: Chớ khiêu khích, thử thách thần kinh chúng tôi
Hôm 13.4, Nga cảnh báo Mỹ đảm bảo các tàu chiến nước này tránh xa Crimea "vì lợi ích của họ". Nga gọi việc Mỹ triển khai tàu chiến ở Biển Đen là hành động khiêu khích nhằm thử thách thần kinh của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden trục xuất 10 nhà ngoại giao và công bố vòng trừng phạt mới với Nga