Theo hãng tin AP ngày 15.1, trước thềm Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng 2 tới, Mỹ triển khai 3 máy bay ném bom tàng hình, tăng ít nhất một tàu sân bay và một tàu tấn công đổ bộ đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
Việc đưa khí tài quân sự “thứ dữ” tới đảo Guam có thể đó là một thông điệp của Mỹ: muốn bảo đảm không có sự cố xảy ra trong thời gian tranh tài Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc.
Đấy cũng là cách Mỹ “dằn mặt” CHDCND Triều Tiên rằng việc Mỹ đồng ý lùi cuộc tập trận chung lớn hàng năm với Hàn Quốc đến sau Olympic 2018 (bế mạc ngày 25.2) không có nghĩa đó là dấu hiệu Mỹ suy yếu.
Sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên vẫn cao, khi tuần trước, không quân Mỹ tuyên bố 3 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, cùng 200 nhân sự, sẽ được đưa từ căn cứ không quân Whiteman (bang Missouri) đến đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Tuyên bố nêu cuộctriển khai này nhằm cung cấp cho các lãnh đạo “những giải pháp ngăn chặn nhằm duy trì sự ổn định của khu vực”.
Theo AP, Bình Nhưỡng rất ngán máy bay ném bom Mỹ. Hồi năm 2017, những chuyến bay của oanh tạc cơ B-1B từ đảo Guam đến bán đảo Triều Tiên đã khiến Triều Tiên phải cảnh cáo: Triều Tiên có kế hoạch dùng tên lửa tấn công đảo Guam ngay khi ông Kim Jong-un ra lệnh.
Nhưng máy bay ném bom tàng hình B-2 càng “dữ hơn”, vì đây là loại oanh tạc cơ hiện đại nhất của không quân Mỹ. Và không như kiểu B-1B, kiểu B-2 có thể mang vũ khí hạt nhân. Nó cũng là loại máy bay duy nhất (cho đến nay) có thể mang “bom xuyên thủng” GBU-57 nặng 14.000 kg.
Kiểu bom xuyên thủng Massive Ordnance Penetrator (MOP) này có thểđâm xuyên sâu xuống pháo đài ngầm, đường hầm, sẽ “nhắc nhở” Triều Tiên rằng các cơ sở ngầm thử hạt nhân của nước này sẽ lọt vào tầm ngắm.
Việc triển khai máy bay ném bom B-2 tiếp sau việc tàu sân bay Carl Vinson rời bến đến phía tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ nói đây là cuộc triển khai định kỳ.
Giới truyền thông Hàn Quốc nói tàu sân bay này cùng nhóm tàu tấn công sẽ đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trước khi khai mạc Olympic 2018 vào ngày 9.2 tới.
Tàu sân bay Reagan (đóng ở căn cứ Yokosuka phía nam Tokyo, Nhật) cũng có mặt ở khu vực trên. Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đưa thêm tàu sân bay John Stennis từ bang Washington đến gần bán đảo Triều Tiên.
Ngày 14.1, Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố tàu tấn công đổ bộ Wasp đã đến phía nam Nhật Bản. Tàu này được nâng cấp để có thể chở hơn 30 máy bay, gồm phóng chiến đấu cơ tàng hình F-35B mới của lực lượng.
Số tàu chiến và máy bay ném bom này có thể được sử dụng để Mỹ phản ứng với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong thời gian tranh tài Olympic 2018.
Tàu sân bay Mỹ được đánh giá là hầu như không bị hư hỏng nếu bị Triều Tiên tấn công. Trong khi đó, chiến đấu cơ F-35B đã được thiết kế để có thể cất cánh-hạ cánh thẳng đứng. Theo AP, nó có thể được dùng để tấn công chính lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong khi đó, Triều Tiên sẽ xem chúng là mối đe dọa ngày càng rõ ràng từ phía Mỹ. Các động thái Mỹ dàn khí tài quân sự “thứ dữ” đã khiến Triều Tiên tố cáo Mỹ đang “âm mưu” phá hoại nỗ lực nối lại đàm phán liên Triều.
Đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố hồi cuối tuần qua: “Những hành xử này khiêu khích quân sự không thể tha thứ, đe dọa quan hệ liên Triều đang được cải thiện”.
Ngày 15.1, đại diện liên Triều đã tổ chức cuộc đối thoại thứ hai, ở gần Khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) nhằm mở đường cho đoàn thể thao Triều Tiên tham gia tranh tài ở Olympic 2018.
Mỹ chính thức hoan nghênh cuộc đối thoại liên Triều, còn các hoạt động quân sự là công tác huấn luyện định kỳ được thực hiện theo kế hoạch, theo các sĩ quan quân đội Mỹ cho AP biết.
Bảo Vĩnh (theo AP)