Khả năng một liên minh mang tên Chip 4 giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được thiết lập làm Trung Quốc - quốc gia ôm tham vọng trở thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu vào năm 2030 - cảm thấy lo lắng.
Mỹ đã lên kế hoạch lập liên minh Chip 4 từ hồi tháng 3. Washington muốn kết hợp năng lực công nghệ nước này, vật liệu và linh kiện từ Nhật với năng lực sản xuất của Hàn Quốc và Đài Loan.
Muốn giảm phụ thuộc vào sản phẩm Trung Quốc vì Bắc Kinh có thể dùng biện pháp hạn chế hoặc cấm xuất khẩu để gây sức ép và cải thiện chuỗi cung ứng bán dẫn là hai trong số nhiều lý do thúc đẩy Mỹ lập Chip 4. Nhật Bản và Đài Loan đều tỏ ý chấp nhận, chỉ còn Hàn Quốc chưa quyết định.
Hàn Quốc có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Trong năm ngoái, 60% xuất khẩu sản phẩm bán dẫn của Hàn Quốc là sang Trung Quốc (tính cả Hồng Kông). Các công ty công nghệ Hàn Quốc lớn như Samsung và SK Hynix đều phụ thuộc linh kiện nhập khẩu lẫn nhà xưởng sản xuất Trung Quốc. Vì vậy Seoul phải suy nghĩ cẩn thận.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định Hàn Quốc cuối cùng sẽ đồng ý gia nhập. Vì Mỹ là nước dẫn đầu về phần mềm và thiết bị ngành bán dẫn, Đài Loan dẫn đầu về gia công, còn Nhật lâu nay luôn nắm phần vật liệu và linh kiện, nên Hàn Quốc không thể nào sản xuất chip mà không có họ.
Dù còn chờ câu trả lời từ Hàn Quốc, nhưng Chip 4 nay đã khiến Trung Quốc lo lắng. Liên minh như vậy có thể hạn chế năng lực sản xuất chip của nước này.
Một số chuyên gia công nghệ Trung Quốc bắt đầu lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc không gia nhập liên minh. Tổng giám đốc công ty tư vấn ngành công nghệ Tập Vi Hàn Hiểu Dân cảnh báo: “Xuất khẩu chip của Hàn Quốc sẽ hứng chịu một đòn lớn, làm tổn hại đến hoạt động thương mại chip trị giá 40 - 50 tỉ USD mỗi năm với Trung Quốc”.
Sản phẩm bán dẫn nay là thành phần thiết yếu trong phần lớn công nghệ và thiết bị điện tử tiêu dùng. Trung Quốc vài năm qua cố gắng tăng khả năng tự chủ về chip kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump ban hành hàng loạt hạn chế ngăn đối thủ châu Á tiếp cận công nghệ Mỹ.