Tên lửa Atlas V mang robot Perseverance đã rời bệ phóng tại căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ vào lúc 7 giờ 50 phút ngày 30.7 (giờ địa phương). Trung tâm kiểm soát bay ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California trải qua động đất vào buổi sáng, nhưng không ảnh hưởng tới buổi phóng.

Mỹ phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa

30/07/2020, 19:17

Tên lửa Atlas V mang robot Perseverance đã rời bệ phóng tại căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ vào lúc 7 giờ 50 phút ngày 30.7 (giờ địa phương). Trung tâm kiểm soát bay ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California trải qua động đất vào buổi sáng, nhưng không ảnh hưởng tới buổi phóng.

Tên lửa Atlas V mang robot Perseverance đã rời bệ phóng tại căn cứ không quân Cape Canaveral - Ảnh: NASA

Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Robot này dự kiến hạ cánh xuống hành tinh đỏ vào ngày 18.2.2021 sau hành trình kéo dài 7 tháng với quãng đường khoảng 467 triệu cây số.

Địa điểm hạ cánh là hố trũng Jezero rộng 45km trên bề mặt sao Hỏa. Đây là một vùng hồ đã bị khô cạn mà theo các nhà khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng nếu muốn thu hoạch các chứng cứ hóa thạch của sự sống vi khuẩn đã biến mất trên hành tinh đỏ.

Bên cạnh đó, sứ mệnh sắp tới của Mỹ cũng đặt mục tiêu lần đầu tiên bay trực thăng trong bầu khí quyển mỏng manh của sao Hỏa. Sau khi được Perseverance thả ra, trực thăng mang tên Ingenuity sẽ thử cất cánh trong điều kiện không khí đặc biệt loãng, tương tự như ở rìa khí quyển tầng cao của Trái đất.

Perseverance có kích thước bằng một chiếc ô tô, cũng có 6 bánh như “người tiền nhiệm” Curiosity - một robot khác của NASA hạ cánh xuống hành tinh đỏ từ năm 2012. Robot này có nhiệm vụ tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa, thu thập mẫu vật và thực hiện một số nghiên cứu khác. Thiết bị này cũng sẽ khám phá khí hậu và địa chất hành tinh, đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên thu thập và lưu giữ đá sao Hỏa.

Trong số các thiết bị được trang bị cho Perseverance, có một loại laser có độ chính xác cao gọi là Sherloc, được sử dụng để giải mã thành phần hóa học của đất đá trên sao Hỏa và xác định xem chúng có thể chứa chất hữu cơ hay không. Đây là dấu hiệu cho thấy sự sống đã hoặc đang tồn tại trên sao Hỏa.

Ngoài ra, Perseverance cũng mang theo một mảnh thiên thạch nhỏ được cho là có nguồn gốc từ sao Hỏa. Các nhà khoa học phát hiện thiên thạch này tại Oman vào năm 1999, đặt tên là Sayh al Uhaymir 008 (SAU 008) và chuyển đến bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London. Các kỹ sư không gian cho biết, mảnh thiên thạch sẽ được dùng để hiệu chỉnh các máy dò trên robot Perseverance giúp các phát hiện của robot này trở nên chính xác hơn.

Sau khi thu thập các mẫu đất đá, nước và không khí, robot tự hành Perseverance sẽ niêm phong các mẫu này và để lại trên bề mặt sao Hỏa. Một sứ mệnh khác vào năm 2026 của NASA sẽ đưa các mẫu này về lại Trái đất để các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu.

Không chỉ phóng các robot lên sao Hỏa, NASA còn đặt mục tiêu dài hạn là đưa tàu chở người tới hành tinh đỏ vào những năm 2030.

Long Hải (theo Space)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa