Washington ngày 19.6 tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), với lý do tổ chức này có khuynh hướng ”chống Israel kinh niên” và không cải cách.

Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Cẩm Bình | 20/06/2018, 11:06

Washington ngày 19.6 tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), với lý do tổ chức này có khuynh hướng ”chống Israel kinh niên” và không cải cách.

Có mặt cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích Nga, Trung Quốc, Cuba cùng Ai Cập luôn ngăn cản những nỗ lực cải cách Hội đồng Nhân quyền LHQ của Mỹ. Bà cũng trách cứ các quốc gia có cùng hệ giá trị với Washington và kêu gọi nước này ở lại tổ chức vì “không dám thách thức hiện trạng một cách nghiêm túc”.

“Hãy nhìn vào thành phần thành viên của hội đồng này, và bạn sẽ thấy một sự thiếu tôn trọng kinh khủng đối với những quyền con người cơ bản nhất”, Đại sứ Haley phát biểu và nêu đích danh Venezuela, Trung Quốc, Congo.

Cũng theo Đại sứ Haley: “Đặt ưu tiên không cân xứng và thái độ thù địch bất tận với Israel là minh chứng rõ ràng cho thấy động lực thúc đẩy hội đồng là thiên kiến về chính trị chứ không phải nhân quyền”. Isreal là đồng minh thân thiết của Mỹ, do đó luôn nhận được sự bảo vệ của Washington tại LHQ.

Tuy nhiên, bà Haley cùng Ngoại trưởng Pompeo khẳng định dù rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhưng Mỹ vẫn giữ nguyên cam kết bảo vệ nhân quyền.

Quyết định ngày 19.6 này là động thái từ chối tham gia các thỏa thuận đa phương mới nhất của Mỹ. Nước này trước đó đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Washington hiện tại đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích khi tách trẻ em di cư ra khỏi cha mẹ của chúng ở khu vực biên giới với Mexico. Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein ngày 15.6 đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dừng ngay chính sách “không thể chấp nhận được này””.

Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập vào năm 2006 tại Geneva với mục đích thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Tổ chức này từng tiến hành nhiều điều tra độc lập về tình hình tại Syria, CHDCND Triều Tiên, Nam Sudan. Đặc biệt, hội đồng nhiều lần lên án hành động sử dụng bạo lực chống lại người dân Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây do Israel thực hiện.

Theo các quan chức LHQ, Mỹ là quốc gia thành viên đầu tiên rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh động thái trên của Washington, đồng thời chỉ trích hội đồng là “tổ chức thiên vị, thù địch chống Israel và phản bội lại nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền của mình”.

Cao ủy Zeid đánh giá quyết định của Mỹ “thật đáng thất vọng”. Theo ông: “Trong bối cảnh nhân quyền trên thế giới hiện nay, Mỹ đáng lý nên bước lên (bảo vệ), chứ không phải lùi lại”.

Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo quyết định này có nguy cơ làm suy yếu vai trò quốc gia ủng hộ dân chủ mạnh mẽ bậc nhất của Washington.

Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc