Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 30.9 đã ký ban hành luật cấp ngân sách tạm thời, ngăn chặn khả năng chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Với 254 phiếu thuận và 175 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cấp ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ ngay trước hạn chót vào nửa đêm 30.9 (giờ Mỹ). Dự luật trước đó đã được Thượng viện thông qua.
Dự luật đã được ông Biden ký thông qua ngay sau đó. Dự luật tài trợ cho các hoạt động của chính phủ đến hết ngày 3.12, bao gồm 28,6 tỉ USD cứu trợ thiên tai bổ sung và 6,3 tỉ USD tái định cư người tị nạn Afghanistan, theo yêu cầu của Nhà Trắng.
"Tôi đã ký quyết định tiếp tục tài trợ cho chính phủ của chúng ta đến hết tháng 12. Dự luật tài trợ cho các nhu cầu quan trọng như ứng phó với đại dịch COVID-19, tái định cư các đồng minh Afghanistan và hỗ trợ bị thiên tai, cũng như giúp chúng ta có thêm thời gian thông qua nguồn tài trợ dài hạn và cung cấp cho người dân", Tổng thống Joe Biden cho biết trên mạng xã hội Twitter hôm 30.9.
Cùng ngày, hai cuộc bỏ phiếu quan trọng được tổ chức ở Hạ viện đối với gói chi dành cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD. Gói hạ tầng này cùng khoản chi tiêu 3.500 tỉ USD. Đây là hai gói dự luật được xem là cốt lõi trong chương trình nghị sự của ông Biden. Các khoản này bao gồm tăng ngân sách cho y tế, giáo dục, ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa đã phản đối gay gắt hai dự luật này. Đáng chú ý, chính nội bộ đảng Dân chủ cũng chia rẽ sâu sắc về 2 gói chi tiêu tốn kém này.
Ngoài ra, một cuộc chiến khác đang bế tắc trong chính phủ Mỹ là việc nâng trần nợ công. Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ với khoản nợ công 28 nghìn tỉ USD. Nếu hai chính đảng của Mỹ không đạt được thỏa thuận, một kịch bản vỡ nợ có thể xảy ra và hệ quả của nó vô cùng lớn.
Hạ viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật cho phép duy trì các mức ngân sách liên bang đến ngày 3.12 và đình chỉ áp mức trần nợ công của Mỹ đến ngày 16.12. Tuy nhiên, Thượng viện đầu tuần này chặn dự luật. Hiện các lãnh đạo lưỡng viện chưa thể chỉ ra phương án rõ ràng để tránh cuộc khủng hoảng, vốn sẽ tàn phá nền kinh tế Mỹ cũng như thị trường thế giới.