Chính quyền Biden đang xem xét các hạn chế có mục tiêu mới với các lô hàng công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc, tìm cách cản trở những tiến bộ của hãng chip lớn nhất nước này là SMIC, mà không làm chậm dòng chảy của chip vào nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ tìm cách triệt đường phát triển của hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc

Sơn Vân | 09/07/2022, 15:38

Chính quyền Biden đang xem xét các hạn chế có mục tiêu mới với các lô hàng công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc, tìm cách cản trở những tiến bộ của hãng chip lớn nhất nước này là SMIC, mà không làm chậm dòng chảy của chip vào nền kinh tế toàn cầu.

5 người quen thuộc về vấn đề này tiết lộ cho Reuters.

Bộ phận giám sát chính sách xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại Mỹ đang tích cực thảo luận về khả năng cấm xuất khẩu các công cụ sản xuất chip cho những nhà máy Trung Quốc tạo ra chất bán dẫn tiên tiến với quy trình 14 nanomet và nhỏ hơn. Mục đích là để cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo nên nhiều chip hiện đại.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép gửi những công cụ tương tự đó đến các nhà máy thuộc sở hữu của cùng một công ty nhưng sản xuất chất bán dẫn kém tiên tiến hơn, để bảo vệ nguồn cung khi thế giới phục hồi sau tình trạng thiếu chip.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ không bình luận trực tiếp về ý tưởng này, nhưng cho biết: "Với các đơn xin cấp phép xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn nói riêng, Bộ và các cơ quan đánh giá khác xem xét nhiều yếu tố trong việc đưa ra quyết định cấp phép, bao gồm cả công nghệ cho đề xuất xuất khẩu".

Bộ Thương mại Mỹ cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden thường xuyên tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh và ngành về cách điều chỉnh các biện pháp tốt nhất để từ chối Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến được sử dụng cho cả dân sự lẫn quân sự.

SMIC đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tuyên bố: "Bằng cách liên tục tìm cách chính trị hóa, vũ khí hóa và hệ tư tưởng hóa các vấn đề kinh tế và thương mại cũng như thực hiện phong tỏa công nghệ và tách biệt với các nước khác, Mỹ sẽ chỉ nhắc nhở các nước khác về những rủi ro của công nghệ phụ thuộc vào Mỹ, thúc đẩy họ nhanh chóng trở nên độc lập và tự chủ về khoa học - công nghệ".

Nếu ý tưởng này được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ chính thức áp dụng phương pháp tiếp cận từng nhà máy với chính sách xuất khẩu, dù các nguồn tin không chính thức cho biết họ đang áp dụng phương pháp này với SMIC.

Việc này cũng sẽ cho phép chính quyền Biden thắt chặt kiểm soát xuất khẩu với các nhà máy tiên tiến nhất của SMIC, đồng thời cho phép các công cụ chảy đến các cơ sở sản xuất chip hàng hóa cho ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng hàng ngày.

Điều đó sẽ giúp Mỹ thúc đẩy mục tiêu ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc với sản xuất chất bán dẫn quy trình tiên tiến hơn, để bảo vệ khả năng cạnh tranh của Mỹ và an ninh quốc gia.

my-tim-cach-triet-duong-phat-trien-cua-hang-san-xuat-chip-so-1-trung-quoc.jpeg
Mỹ đang xem xét các hạn chế có mục tiêu mới với các lô hàng công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc, tìm cách cản trở những tiến bộ của SMIC - Ảnh: Internet

SMIC cho biết bắt đầu sản xuất chip 14 nanomet vào cuối năm 2019.

SMIC đã bị chính quyền Trump thêm vào danh sách đen thương mại vì cáo buộc có quan hệ quân sự vào năm 2020, nhưng biện pháp này chỉ cấm xuất khẩu một nhóm nhỏ thiết bị sản xuất chip dành cho công ty.

Chính sách đó để lại các quyết định về xuất khẩu mọi thứ khác tùy theo quyết định của các cơ quan Mỹ, dẫn đến sự chậm trễ lâu dài trong việc phê duyệt giấy phép vận chuyển cho SMIC, khi các cơ quan tranh cãi về những gì xuất khẩu được bật đèn xanh.

Reuters đưa tin vào tháng 12.2021 rằng chính quyền Biden vẫn đang băn khoăn về việc liệu có nên thắt chặt các hạn chế với SMIC hay không, nhưng đã đưa ra khả năng thảo luận với các đồng minh về các hạn chế hơn nữa với việc bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, nếu Bộ Thương mại tiếp tục với khái niệm này (vẫn chưa được soạn thảo thành một đề xuất chính thức), Mỹ sẽ tìm cách đưa nó vào hội đồng các nước đồng minh như Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn tự hào có các nhà sản xuất chip hàng đầu, dù điều đó có thể là thách thức.

Một quan chức từ Bộ Thương mại Mỹ đã thảo luận về những thay đổi có thể xảy ra với các công ty vào ngày 8.7 khi kết thúc hội nghị thường niên do cơ quan chủ trì, theo hai nguồn tin.

Không rõ liệu chính quyền Biden sẽ tìm cách chặn các chuyến hàng của các mặt hàng khác đến các cơ sở mục tiêu không. Các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ sẽ cần phải xem xét bất kỳ đề xuất nào của Bộ Thương mại trước khi nó có thể được thực hiện.

Sự gia tăng mua ô tô và thiết bị điện tử cá nhân trong đại dịch đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng chip toàn cầu vào cuối năm 2020. Song khi nền kinh tế toàn cầu nguội đi, nhu cầu giảm đang loại bỏ sự thiếu hụt với các sản phẩm như máy tính cá nhân, smartphone Android và tivi. Thậm chí việc sản xuất một số mặt hàng như ô tô vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt chip, theo nhà phân tích Stacy Rasgon của công ty Bernstein.

Hôm 6.7, SMIC cho biết chưa bao giờ có khách hàng nào ở Nga, trấn an nhà đầu tư đang lo ngại rằng nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc có thể bị Mỹ trừng phạt vì khả năng vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga vì tấn công Ukraine.

SMIC luôn hoạt động tuân thủ. Công ty chưa bao giờ có bất kỳ khách hàng Nga nào”, công ty trả lời câu hỏi của nhà đầu tư trên nền tảng thông tin trực tuyến do Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải điều hành.

Phản ứng đó diễn ra sau khi SMIC, nhà sản xuất chip tiên tiến và lớn nhất Trung Quốc, bị Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nêu tên. Bà Gina Raimondo cảnh báo rằng Mỹ về cơ bản có thể "cấm cửa" SMIC bằng cách từ chối cho hãng này truy cập vào các công cụ và phần mềm của Mỹ nếu bán chất bán dẫn cho Nga.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu SMIC hoặc các công ty bán dẫn khác có trụ sở tại Trung Quốc bị phát hiện cung cấp chip cho Nga? Chúng tôi sẽ cấm cửa họ và chúng tôi có thể làm được, bởi hầu hết mọi chip trên thế giới và ở Trung Quốc đều được sản xuất bằng thiết bị và phần mềm của Mỹ. Tôi dự định sẽ thực hiện tốt cam kết đó nếu nó cần thiết", bà Gina Raimondo nhấn mạnh.

Trong khi các quan chức Mỹ trước đây nói rằng Trung Quốc nói chung đang tuân thủ các hạn chế, chính quyền Biden đã tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt các quy định.

"Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động bất kể một bên đặt trụ sở ở đâu, nếu họ đang vi phạm luật pháp Mỹ", Thea Rozman Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ về Quản lý xuất khẩu, khẳng định.

Chính phủ Mỹ đã thêm SMIC vào danh sách đen thương mại của mình hồi tháng 12.2020, cấm các nhà cung cấp của Mỹ vận chuyển thiết bị và vật liệu cho công ty có trụ sở tại Thượng Hải mà không có sự đồng ý từ chính quyền Mỹ.

Bài đăng mới nhất của SMIC cho các nhà đầu tư phản ánh cách các hãng công nghệ Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh doanh ở Nga, khi Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga do tấn công Ukraine.

Vào tháng 6.2022, chính phủ Mỹ đã thêm 25 thực thể Trung Quốc nữa vào danh sách đen thương mại của mình. Trong số này có 5 công ty được cho là hỗ trợ quân đội Nga gồm Connec Electronic, King Pai Technology Co, Sinno Electronics Co, Winninc Electronic và World Jetta (HK) Logistics.

Việc các công ty này bị liệt vào danh sách đen đồng nghĩa giao dịch của họ với nhà cung cấp tại Mỹ bị cấm. Nhà cung cấp tại Mỹ chỉ được phép thực hiện các hoạt động giao dịch khi có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ.

Mỹ cũng đang vận động Hà Lan cấm công ty ASML Holding bán các hệ thống in thạch bản cũ hơn (những máy thực hiện một bước quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn) cho Trung Quốc, theo một báo cáo tuần này từ trang Bloomberg, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Có trụ sở ở Hà Lan, ASML Holding hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Đề xuất hạn chế mới của Mỹ sẽ mở rộng lệnh cấm bán các hệ thống sản xuất chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc, cản trở kế hoạch dẫn đầu thế giới trong ngành bán dẫn của nước đông dân nhất thế giới. Điều đó có khả năng giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc từ SMIC đến Hua Hong Semiconductor.

SMIC dựa trên các công nghệ và thiết bị có xuất xứ từ Mỹ cho các nút quy trình chip khác nhau của mình. Tuy nhiên, quy trình 14 nanomet hiện có của SMIC đi sau nhiều thế hệ so với quy trình được sử dụng bởi TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc).

Hôm 30.6, Samsung Electronics cho biết đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip theo quy trình 3 nanomet tiên tiến dựa trên công nghệ GAA (Gate-All-Around) thế hệ tiếp theo.

Samsung Electronics là công ty đầu tiên trên thế giới làm điều này khi tìm kiếm khách hàng mới để bắt kịp đối thủ lớn hơn nhiều là TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng.

GAA giúp cải thiện hiệu suất, đồng thời giảm diện tích chip và tiêu thụ điện năng so với công nghệ FinFET hiện có.

So với các chip 5 nanomet thông thường, quy trình 3 nanomet thế hệ đầu tiên mới được phát triển có thể giảm tiêu thụ điện năng tới 45%, cải thiện hiệu suất 23% và giảm diện tích 16%, Samsung Electronics cho biết.

Trong khi Samsung Electronics là hãng đầu tiên sản xuất chip 3 nanomet, TSMC đang lên kế hoạch sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2025. TSMC cũng thông báo sẽ sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet vào nửa cuối năm nay.

TSMC là hãng đúc chip tiên tiến nhất thế giới và kiểm soát khoảng 54% thị trường toàn cầu về sản xuất chip theo hợp đồng, cung cấp hàng cho các công ty như Apple và Qualcomm vốn không có cơ sở bán dẫn của riêng họ.

Đứng thứ hai với 16,3% thị phần, Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư 171 ngàn tỉ won (132 tỉ USD) vào năm ngoái để vượt TSMC trở thành nhà sản xuất chip logic hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới tích cực trong phát triển công nghệ cạnh tranh”, Siyoung Choi, Trưởng bộ phận kinh doanh đúc chip tại Samsung Electronics, cho biết.

Bài liên quan
Thiếu hụt chip làm số vụ lừa tiền tăng kỷ lục: Phần lớn do các nhà môi giới chip Trung Quốc
Hôm 29.6, ERAI, công ty chuyên theo dõi hàng giả và gian lận trong ngành công nghiệp chip, cho biết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn nghiêm trọng dẫn đến các vụ gian lận kỷ lục vào năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tìm cách triệt đường phát triển của hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc