Quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ cho biết, các lực lượng của Kyiv khó có thể sớm đẩy lùi toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của họ.

Mỹ tin Ukraine khó đẩy lùi toàn bộ quân Nga, Moscow khẳng định cuộc chiến còn dài

Hoàng Vũ (theo Aljazeera) | 26/05/2023, 14:50

Quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ cho biết, các lực lượng của Kyiv khó có thể sớm đẩy lùi toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của họ.

“Về mặt quân sự, cuộc chiến này sẽ không thuộc về Nga. Chỉ là không phải vậy”, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết vào hôm 25.5.

Theo ông Milley, các mục tiêu chiến lược ban đầu của Nga đã “không thể đạt được về mặt quân sự”. Tuy nhiên, Milley cho biết, hiện có hàng trăm ngàn binh sĩ Nga ở Ukraine, điều này sẽ khiến mục tiêu kiểm soát lại toàn bộ lãnh thổ của Kyiv khó có thể xảy ra “trong thời gian tới”.

mark-milley-.png
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley (phải) phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 25.5 - Ảnh: Reuters

“Điều đó đồng nghĩa với việc giao tranh sẽ tiếp tục, sẽ nhiều thương vong và sẽ rất khó khăn. Đến một lúc nào đó, cả hai bên sẽ đàm phán để giải quyết hoặc sẽ đi đến một kết luận quân sự”, ông Milley nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh chủ chốt của Tổng thống Vladimir Putin, cũng cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ.

“Cuộc xung đột này sẽ kéo dài rất lâu, có thể là hàng chục năm. Đó là một thực tế mới, điều kiện mới. Chừng nào chính quyền Ukraine đương nhiệm vẫn nắm quyền, diễn biến tiếp theo sẽ là ba năm đình chiến, hai năm xung đột và sau đó mọi thứ lặp lại”, Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Medvedev hôm 25.5.

Căng thẳng giữa Moscow và Washington tiếp tục gia tăng khi Mỹ dẫn đầu việc thúc đẩy hỗ trợ quốc tế và viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc phối hợp cung cấp vũ khí từ hàng chục quốc gia. Trong một bước ngoặt chính sách rõ ràng, Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ hỗ trợ cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 tiên tiến do Mỹ sản xuất.

F-16 không phải “vũ khí ma thuật”

Nhận xét về máy bay chiến đấu F-16, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cảnh báo rằng chúng sẽ không trở thành "vũ khí ma thuật" nhưng khẳng định Washington hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực huấn luyện và chuyển giao phương tiện này cho Kyiv.

“Không có vũ khí thần kỳ nào cả, không phải F-16 hay các loại vũ khí khác”, ông Milley nói, đồng thời lưu ý rằng, 10 chiếc F-16 có thể tiêu tốn 2 tỉ USD, bao gồm cả bảo dưỡng.

Theo ông Milley, người Nga đang sở hữu hàng ngàn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5, vì vậy nếu định đối đầu với Nga trên không, sẽ cần một lượng đáng kể máy bay chiến đấu thuộc 2 thế hệ này.

“F-16 có vai trò trong tương lai là một phần trong năng lực không quân của Ukraine nhưng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để xây dựng một lực lượng không quân có quy mô và phạm vi cần thiết”, ông nói và cho rằng các hệ thống phòng không vẫn là vũ khí mà Ukraine cần nhất trong nỗ lực lớn hơn nhằm kiểm soát không phận.

Trước đó, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hôm 22.5 nói rằng tiêm kích F-16 "sẽ mang đến cho người Ukraine một sự gia tăng năng lực bây giờ", nhưng "sẽ không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chơi".

Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc lập luận, việc cung cấp F-16 sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến vì các hệ thống phòng không hiệu quả sẽ ngăn chúng đóng vai trò chính trong việc quyết định kết quả.

Giới phân tích quân sự Nga cũng nhận định rằng, việc chuyển giao F-16 cho Ukraine có thể mang lại rủi ro lớn cho Mỹ khi loại máy bay này sẽ phải đối mặt với các đối thủ đáng gờm của Nga như Su-35, MiG-31 và Su-57 cũng như hỏa lực từ hệ thống phòng không của Moscow.

Cuộc chiến kéo dài có lợi cho bên nào?

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, cho biết "một cuộc kéo dài" không phải là mục tiêu của Nga mà chỉ một phương tiện để thích ứng với tình hình ở Ukraine. ISW cho rằng, khả năng duy trì một chiến dịch quân sự kéo dài ở Ukraine của Nga sẽ cho phép Mosocw có thời gian và không gian cần thiết để xây dựng lại lực lượng quân sự của mình.

“Tuy nhiên, các cuộc phản công của Ukraine sẽ khiến Nga không có thời gian xả hơi để bổ sung nguồn lực, sẽ làm cạn kiệt hơn nữa tiềm năng tấn công của Mosow và cuối cùng, cho phép các lực lượng Ukraine giành lại lãnh thổ”, ISW cho hay.

Giới phân tích nhận định, khả năng cao sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán hoặc thỏa thuận trong năm 2023. Cho đến thời điểm hiện tại, không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ, trong khi các mục tiêu mà Nga và Ukraine tìm kiếm đều hoàn toàn trái ngược nhau.

Bài liên quan
Ông Biden ký luật cấm TikTok, các công ty Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật có thể loại TikTok khỏi thị trường Mỹ, Trung Quốc phải quyết định cách tốt nhất để trả đũa việc công ty đáng giá nhất của mình bị tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tin Ukraine khó đẩy lùi toàn bộ quân Nga, Moscow khẳng định cuộc chiến còn dài