Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị Trung Quốc thao túng và phải chịu trách nhiệm về những cái chết do dịch COVID-19. Ông coi Trung Quốc là mối đe dọa, tuyên bố ủng hộ các nước chống lại sức ép từ Bắc Kinh.

Mỹ tố Bắc Kinh thao túng WHO, kêu gọi các nước chống lại Trung Quốc

22/07/2020, 12:55

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị Trung Quốc thao túng và phải chịu trách nhiệm về những cái chết do dịch COVID-19. Ông coi Trung Quốc là mối đe dọa, tuyên bố ủng hộ các nước chống lại sức ép từ Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp với các nghị sĩ và quan chức Anh hôm 21.7 - Ảnh: AFP

Theo Guardian, trong cuộc gặp với khoảng 20 nghị sĩ và quan chức Anh hôm 21.7, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dựa theo tiết lộ của cơ sở tình báo đáng tin cậy rằng có một thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc nhằm cho phép ông Tedros giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng giám đốc WHO hồi năm 2017.

Ông Pompeo cáo buộc Trung Quốc giấu dịch COVID-19 trong giai đoạn dịch mới bùng phát. Ông cho biết lý do khiến nhiều người chết là vì thỏa thuận giữa ông Tedros và Bắc Kinh, khi cho rằng nhà lãnh đạo WHO quá thân thiết với Trung Quốc.

"Giữa tình huống cấp bách, khi WHO thực sự đóng vai trò quan trọng nhất, mọi người lại chết vì thỏa thuận đó. WHO giống tổ chức chính trị hơn là dựa trên khoa học và họ đã thất bại trong việc ngăn chặn COVID-19”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên của WHO cho biết họ không nắm được bất cứ tuyên bố nào như vậy, nhưng bác bỏ mạnh mẽ mọi hành động công kích cá nhân và cáo buộc vô căn cứ. "WHO kêu gọi các nước tiếp tục tập trung vào xử lý đại dịch COVID-19 vốn đang gây ra mất mát về người và thảm kịch", người phát ngôn cho hay.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích WHO thông đồng và thiên vị Trung Quốc, che giấu mức độ nghiêm trọng của COVID-19, ảnh hưởng tới công tác chống dịch của các nước cũng như cáo buộc tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc là “con rối” của Bắc Kinh. Trung Quốc và WHO đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này.

Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo quyết định rời khỏi WHO, bất chấp sự chỉ trích từ nhiều nước. Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để đối phó dịch COVID-19.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền Wasington đang cố gắng tìm cách đổ lỗi và đánh lạc hướng dư luận về cách họ xử lý COVID-19, khi quốc gia này hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với số ca nhiễm vượt 4 triệu người cùng hơn 144.000 ca tử vong.

Mỹ ủng hộ các nước chống lại sức ép từ Trung Quốc

Cũng trong cuộc họp với giới chức Anh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông tin chắc rằng thông tin tình báo đã được chia sẻ với Anh về cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc) sẽ cho phép Anh thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của đảng cộng sản Trung Quốc.

Các nguồn thạo tin của Guardian cho biết, trong cuộc hội đàm trước đó giữa ông Pompeo và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Phố Downing, vấn đề trừng phạt cụ thể đã không được đưa ra - nhưng cách đối xử người Duy Ngô Nhĩ đã được thảo luận.

Thủ tướng Johnson và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng bàn về việc Washington và London có thể hợp tác phát triển các công nghệ thế hệ mạng tiếp theo như thế nào, để tránh tình trạng một công ty nhà nước Trung Quốc như Huawei đạt được sự thống trị trên thị trường.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau đó, ông Pompeo đã ca ngợi quyết định của chính phủ Anh về việc loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia cần hiểu được tự do và dân chủ, cũng như hiểu được mối đe dọa mà Trung Quốc đang tạo ra để cùng phối hợp hành động khôi phục lại những gì thuộc về họ.

“Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp trên các vùng biển, bắt nạt các quốc gia trên dãy núi Himalaya, che đậy sự bùng phát của dịch COVID-19. Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng một liên minh và sẽ hợp tác để lên án Trung Quốc, chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng nước này không có lợi khi tham gia vào loại hành vi này”, Ngoại trưởng Mỹ cho hay và thúc giục các nước có cùng chí hướng đẩy lùi việc chống lại sức ép từ Bắc Kinh.

Ngoài ra, ông Pompeo cũng hoan nghênh quyết định đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông "ngay lập tức và vô thời hạn" được Ngoại trưởng Anh Dominic Raab công bố hôm 21.7.

“Anh đã hứa rằng sẽ có tới 3 triệu cư dân Hồng Kông sẽ có cơ hội định cư tại Anh và trở thành công dân vĩnh viễn. Chúng tôi ủng hộ những lựa chọn có chủ quyền đó. Mỹ nghĩ rằng, điều đó sẽ được thực hiện tốt”, ông nói.

Mới quan hệ giữa Mỹ - Trung liên tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây trên nhiều lĩnh vực, từ tranh chấp thương mại đến chính trị, chính sách ngoại giao. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị cuốn vào một cuộc khẩu chiến về nguồn gốc dịch COVID-19, tình hình Biển Đông, dự luật an ninh Hồng Kông, Đài Loan và xung đột biên giới Trung - Ấn.

Hoàng Vũ (theo Guaridan, Reuters)

Bài liên quan
Reuters: ByteDance muốn đóng cửa TikTok ở Mỹ thay vì bán
ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ, theo 4 nguồn tin của Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tố Bắc Kinh thao túng WHO, kêu gọi các nước chống lại Trung Quốc