Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường băng dài 3 km trên Đá Chữ Thập, hòn đảo mà họ chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, báo New York Times ngày 16.4 dẫn thông tin từ ảnh vệ tinh mới nhất được chụp vào ngày 23.3.
Sau khi xây dựng xong đường băng dài 3 km trên Đá Chữ Thập, Trung Quốc có thể sử dụng hòn đảo nhân tạo như là một sân bay dành cho các loại máy bay quân sự của họ, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay vận tải, đại diện cho một sự thay đổi cuộc chơi trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận xét của giáo sư Peter Dutton, chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Rhode Island.
Phần đầu tiên của đường băng xuất hiện trông như một mảnh ruy băng màu xám trên một bức ảnh vệ tinh chụp tháng 3.2015 ở Đá Chữ Thập (đã bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo rất lớn). Tiếp giáp với đoạn đường băng đang xây là công trình sân đỗ và đường dẫn máy bay ra đường băng.
"Đây là một sự kiện quan trọng về chiến lược. Để có thể kiểm soát trên biển, bạn cần phải có kiểm soát trên không", giáo sư Dutton nói.
Trong thời gian này, Trung Quốc có khả năng lắp đặt radar và tên lửa có thể đe dọa các nước nhỏ hơn quanh Biển Đông, khi họ tiếp tế cho các đơn vị đồn trú quân sự khiêm tốn của họ trong khu vực, theo ông Dutton. Ngoài ra, công trình đường băng trên Đá Chữ Thập là nơi bố trí chiến đấu cơ và máy bay trinh sát sẽ giúp Trung Quốc có khả năng mở rộng vùng cạnh tranh với Mỹ trên Biển Đông, cũng như khả năng gia tăng va chạm giữa máy bay và tàu chiến Mỹ - Trung Quốc.
Đường băng trên Đá Chữ Thập được xây rất mau lẹ so với ảnh vệ tinh Airbus chụp ngày 6.2.2015, khi đó Đá Chữ Thập chỉ là bãi cát mới bồi rộng lớn. Vậy mà chỉ trong vài tuần lễ sau đó, đường băng đã xây được một phần theo ảnh chụp ngày 23.3.2015.
Ông James Hardy, chủ biên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tạp chí Jane’s Defense Weekly nói rằng đường băng ở Đá Chữ Thập không chỉ có khả năng để máy bay quân sự lên xuống mà cả máy bay bất kỳ nào cũng có thể đáp, nếu đủ độ dài. Chẳng hạn siêu máy bay chở khách Airbus A380 cần đường băng dài 2.950 m, bằng đường băng ở Đá Chữ Thập.
Các đường băng khác của quân đội Trung Quốc sử dụng có chiều dài từ 2,7 km đến 4 km. Còn đường băng của căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia (ở Ấn Độ Dương) do Không lực Mỹ sử dụng thì lớn hơn và dài hơn ở Đá Chữ Thập, độ chừng 3,6 km.
“Vấn đề là loại máy bay gì sẽ đáp xuống đường băng này, trừ phi nó là khu resort. Tuy nhiên điều này là không đúng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua tuyên bố về các đảo nhân tạo này, chỉ có máy bay quân sự là cần lên xuống ở đây”, ông Hardy nhận xét.
Cũng theo ông Hardy, quân đội Trung Quốc có lẽ đã chọn Đá Chữ Thập làm trung tâm chỉ huy điều hành các hoạt động ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã đơn phương ra yêu sách đòi chủ quyền hơn 70% diện tích Biển Đông qua cái gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò). Không quốc gia nào chấp nhận yêu sách này, và nhiều nước lo ngại rằng các hoạt động xây dựng trái phép này của Trung Quốc là một phần của việc tạo ra sự tất yếu về quyền sở hữu của Trung Quốc.
Trong một ví dụ khác về sự chỉ trích cao độ của Lầu Năm Góc trước những nỗ lực cải tạo các bãi đá này của Trung Quốc, chuẩn đô đốc Mỹ Christopher J. Paul hồi tháng 3.2015 phát biểu tại Úc rằng “có những quốc gia đang cố gắng hạn chế sự lưu thông qua vùng biển quốc tế, tạo ra các vùng đất nơi không có người ở, tạo ra các vùng cấm ở nơi nên được sử dụng chung”, ý ám chỉ Trung Quốc.