Không quân Mỹ mới đây đã điều các máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám trinh sát không người lái Global Hawk tới Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm thực hiện các sứ mệnh giám sát và răn đe trong khu vực, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

Mỹ triển khai máy bay ném bom tới Biển Đông, tiếp tục thách thức Trung Quốc

10/06/2020, 16:14

Không quân Mỹ mới đây đã điều các máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám trinh sát không người lái Global Hawk tới Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm thực hiện các sứ mệnh giám sát và răn đe trong khu vực, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

Các máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ tập trận trên biển cùng nhóm tiêm kích Thụy Điển - Ảnh: Không quân Mỹ

Fox News hôm 10.6 dẫn báo cáo của Không quân Mỹ cho biết các máy bay ném bom B-1B cất cánh từ đảo Guam để hỗ trợ Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, tiến hành các sứ mệnh trên Biển Đông. Đồng thời, các máy bay do thám Global Hawk cũng được vận chuyển tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa sự hiện diện hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Các sứ mệnh như vậy dường như nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp mới, trong bối cảnh có các thông tin cho biết Trung Quốc đang tiến hành 2 cuộc tập trận tàu sân bay ở Biển Đông, khiến Đài Loan ngày càng lo lắng về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp vũ lực lên hòn đảo.

Các máy bay do thám trinh sát Global Hawk, kết hợp với các máy bay do thám biển Triton của Hải quân Mỹ tại Guam, đang ngày càng được thiết kế với các thuật toán tiên tiến mang lại mức độ tự động mới. Các nhiệm vụ được lập trình trước, trong đó máy bay có thể tự động điều chỉnh để thích ứng với các tình huống bất ngờ và xử lý nhanh chóng khối lượng thông tin lớn cùng một lúc, cho phép các chỉ huy quân đội Mỹ tăng cường và mở rộng phạm vi giám sát trong khu vực và có thể là vượt qua trở ngại về mặt địa lý khi hoạt động trên khuc vực Thái Bình Dương rộng lớn.

Một chương trình kỹ thuật như vậy, được thiết kế để gia tăng khả năng hoạt động tự động trên không, có tên gọi là Kiểm soát phản ứng tự chủ phân tán (DARC) đang được tập đoàn Northrop phát triển. Về mặt chiến thuật, việc triển khai máy bay Global Hawk có thể giúp giám sát một khu vực chiến lược của Biển Đông và ngay lập tức xác định những khoảnh khắc quan trọng, như tàu Trung Quốc đi qua.

Trung Quốc trong những năm gần đây, đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.

Tháng trước, Hải quân Mỹ cũng đã đưa tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) tới biển Đông để thực hiện cuộc tập trận với tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore trong hai ngày 24 và 25.5, động thái được cho là nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực. Tàu USS Gabrielle Giffords hôm 12.5 cũng đã có mặt ở phía nam Biển Đông để tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Trước đó, vào cuối tháng 4, Mỹ đã điều 4 tàu chiến bao gồm USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đến tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông.

Đáng chú ý, Mỹ hồi đầu tháng này đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoàng Vũ (theo Fox News)

Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ triển khai máy bay ném bom tới Biển Đông, tiếp tục thách thức Trung Quốc