Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021.

Năm 2022 có hơn 12.000 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam

Hoài Lam | 25/12/2022, 16:22

Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021.

Ngày 25.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả (đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí).

Bộ Công an đã tích cực triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021).

An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. Đã có 56% cơ quan Đảng, Nhà nước áp dụng chuẩn về cấp độ bảo đảm an toàn thông tin.

Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả với 69.000 tổ và hơn 320.000 thành viên.

cds-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra.

Vẫn còn “cát cứ” thông tin

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được  thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần cố gắng hơn nữa.

Cụ thể là nhiều lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ. Hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu.

“Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, còn tình trạng "cát cứ thông tin", Thủ tướng nêu.

Thêm vào đó, chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế, chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, cứ 10 lần người dân thực hiện thủ tục hành chính thì có khoảng gần 7 lần vẫn phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp.

Chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn và chưa nhất quán trong chuyển đổi số. Theo thống kê chưa đầy đủ, vẫn còn 266 thôn, bản chưa được phủ sóng di động.

Thủ tướng cũng nêu rõ, an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi số vụ tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia có xu hướng ngày càng tăng. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; còn hiện tượng "chảy máu chất xám" ra nước ngoài. Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai chuyển đổi số.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

“Phải xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân”, Thủ tướng nêu.

cds.jpg
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023, dứt khoát phải xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia

Thủ tướng cũng cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023, dứt khoát phải xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia.

“Đây là tài sản của quốc gia chứ không phải của bộ ngành nào nhưng giao Bộ Công an chủ trì về cơ sở vật chất, không bảo thủ, không cát cứ, không cục bộ, đồng thời thiết kế các công cụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quyền công dân theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật”, Thủ tướng yêu cầu.

Bài liên quan
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo sau vụ VNDirect bị tấn công mạng
Sau khi VNDirect bị tấn công mạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường bảo mật hệ thống giao dịch trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2022 có hơn 12.000 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam