David A.Andelman - cây bút phân tích của đài CNN - chỉ ra 5 cuộc bầu cử quan trọng năm 2024 mà kết quả sẽ tác động không nhỏ đến cục diện thế giới.
Góc nhìn

Năm 2024, 5 cuộc bầu cử quan trọng ảnh hưởng đến cục diện thế giới

Cẩm Bình 19/12/2023 16:18

David A.Andelman - cây bút phân tích của đài CNN - chỉ ra 5 cuộc bầu cử quan trọng năm 2024 mà kết quả sẽ tác động không nhỏ đến cục diện thế giới.

Đó là bầu cử lãnh đạo Đài Loan, bầu cử Tổng thống Nga, tổng tuyển cử tại Ấn Độ, bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trang The Economist cho biết vào năm tới, các quốc gia chiếm hơn một nửa dân số thế giới sẽ đi bầu. Hơn 4 triệu người chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu.

5.jpg
Năm 2024, 5 sự kiện chính trị quan trọng ảnh hưởng đến cục diện thế giới là: bầu cử lãnh đạo Đài Loan, bầu cử Tổng thống Nga, tổng tuyển cử tại Ấn Độ, bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử Tổng thống Mỹ.

Năm của các cuộc bầu cử bắt đầu từ Bangladesh vào tháng 1. Tại quốc gia Nam Á đang có phong trào biểu tình chống chính phủ do đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đối lập phát động. Các nhân vật lãnh đạo BNP hiện phải lưu vong hoặc bị giam cầm, đảng đe dọa tẩy chay bầu cử nếu Thủ tướng Sheikh Hasina - đã nắm quyền 15 năm - không từ chức và trao quyền lại cho một chính phủ lâm thời trước lúc tổng tuyển cử diễn ra.

Sang tháng 2, Pakistan và Indonesia - hai quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới - lần lượt tổ chức bầu cử cách nhau 1 tuần. Pakistan sẽ tiến hành tổng tuyển cử lần đầu tiên sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan mất chức vì cáo buộc tham nhũng. Dù không phải ứng cử viên nhưng chính trị gia này vẫn là thế lực hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho chính đảng của mình. Còn tại Indonesia, hơn 200 triệu cử tri trong nước và 1,75 triệu người Indonesia hải ngoại chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử đáng chú ý nhất châu Phi sắp diễn ra tại Nam Phi. Bầu cử cấp địa phương cách đây 2 năm trước đánh dấu lần đầu tiên đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của cố Tổng thống Nelson Mandela giành được ít hơn 50% phiếu bầu do cử tri quá chán ngán với tình trạng hỗn loạn và tham nhũng trong 30 năm đảng này nắm quyền. Nếu ANC tiếp tục đánh mất lòng tin thì cuộc bầu cử năm tới sẽ là bước ngoặt trong lịch sử chính trị Nam Phi.

Châu Âu năm 2024 có đến 9 cuộc bầu cử quốc hội. Các chính phủ mới sẽ phải nỗ lực tìm kiếm đối tác lập liên minh để tạo nên thế đa số. Ở Bồ Đào Nha, nơi Thủ tướng Antonio Costa vừa từ chức sau 8 năm nắm quyền vì một cuộc điều tra tham nhũng, bầu cử tháng 3 năm sau có thể chứng kiến đảng cực hữu Chega giành chiến thắng. Lực lượng chính trị cánh hữu cũng nhiều khả năng đắc cử tại Áo vào mùa thu. Anh tổng tuyển cử vào tháng 1.2025, như vậy hoạt động bỏ phiếu sớm sẽ diễn ra trong cuối năm 2024 – mở đường cho đảng Lao động trở lại nắm quyền sau 14 năm đảng Bảo thủ điều hành đất nước.

Nhìn sang Mỹ Latinh, trong số ứng viên các chính đảng lớn có đến 2 nữ chính trị gia nên cuộc bầu cử tháng 6 năm sau có thể chứng kiến Mexico có nữ Tổng thống đầu tiên. Tại Venezuela, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro sẽ cố gắng giành thêm một nhiệm kỳ nữa, nếu tái đắc cử ông phải đối mặt với nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là dàn xếp tranh chấp với láng giềng Guyana về quyền khai thác dầu mỏ.

Trong số vô số cuộc bầu cử năm tới, có 5 cuộc bầu cử đặc biệt quan trọng mà kết quả sẽ tác động không nhỏ đến cục diện thế giới.

Bầu cử lãnh đạo Đài Loan ngày 13.1

Cuộc bầu cử có 3 ứng viên: Chính trị gia đảng Dân tiến (DPP) Lại Thanh Đức chủ trương tiếp tục chính sách bảo vệ quyền tự trị của Đài Loan mà đương kim lãnh đạo Thái Anh Văn đang thực hiện, thị trưởng thành phố Tân Bắc Hầu Hữu Nghi - đại diện Quốc dân đảng (KMT) - muốn ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, đại diện đảng Nhân dân (TPP) Kha Văn Triết giữ quan điểm trung hòa.

Bầu cử Tổng thống Nga ngày 17.3

Gần như chắc chắn Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Năm tới ông chỉ có một đối thủ là doanh nhân ngành mỹ phẩm Alexei Nechaev.

Đây có thể là cuộc bầu cử cuối cùng của Tổng thống Putin vì nếu nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa ông sẽ 78 tuổi. Vì vậy sau bầu cử rất có thể đương kim lãnh đạo Nga sẽ đẩy mạnh hơn nữa loạt nỗ lực đang theo đuổi – gồm cả cuộc chiến Ukraine. Nguy cơ Nga - NATO đối đầu trực tiếp cũng tăng cao.

51.jpg
Gần như chắc chắn Tổng thống Putin sẽ tiếp tục nắm quyền - Ảnh: CNN

Tổng tuyển cử tại Ấn Độ vào tháng 4 và 5

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã sử dụng nhiệm kỳ đầu tiên để củng cố chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu. Một nhiệm kỳ nữa sẽ đem lại cho ông thêm thời gian hoàn thành sứ mệnh.

Tháng tới, Thủ tướng Modi dự kiến dự lễ khánh thành một ngôi đền Hindu rộng lớn được xây tại nơi từng là đền thờ Hồi giáo – một sự khẳng định mang tính biểu tượng về vị thế thống trị của đạo Hindu tại cường quốc Nam Á.

Ấn Độ là đối tác thương mại quan trọng, đối tác an ninh giúp Mỹ đối phó Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Hợp tác với một quốc gia có chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn là thách thức không nhỏ.

Bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) từ ngày 6 - 9.6

Tháng 6 là thời điểm quan trọng với tương lai châu Âu khi EP tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên, kể từ lúc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều năm qua phe cánh hữu không ngừng củng cố lực lượng. Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cánh hữu có khả năng trở thành phe phái lớn thứ ba trong EP mới.

Một nghị viện tập hợp nhiều người theo cánh hữu cùng chủ nghĩa hoài nghi sẽ cản trở loạt chương trình nghị sự ôn hòa của EU, đồng thời thúc đẩy lực lượng cánh hữu tại các cường quốc như Đức hay Pháp thêm lớn mạnh. Viện trợ cho Ukraine, trừng phạt áp đặt với Nga, hạn chế nhập cư, chính sách khí hậu, thay đổi chính sách Trung Quốc cũng sẽ đối mặt nguy cơ bị xáo trộn.

52.jpg
Phe cánh hữu tại châu Âu sẽ trỗi dậy - Ảnh: CNN

Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5.11

Dù cho cựu Tổng thống Donald Trump không tái đắc cử, hoạt động bỏ phiếu chọn ứng viên mỗi đảng cùng chiến dịch tranh cử diễn ra trước ngày 5.11 cũng đủ làm tổn hại nền dân chủ Mỹ. Còn nếu ông đắc cử, thế giới sẽ gặp biến động lớn – đặc biệt là NATO.

Đến bang New Hampshire vận động tranh cử cuối tuần trước, cựu Tổng thống Trump dẫn lời Tổng thống Putin gọi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden là “mối đe dọa với nền dân chủ”, đồng thời ca ngợi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Thủ tướng Hungary theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn Viktor Orban.

Không những vậy ông còn ngỏ ý muốn sang thăm tân Tổng thống Argentina Javier Milei – chính trị gia cực hữu muốn thay thế đồng peso bằng USD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2024, 5 cuộc bầu cử quan trọng ảnh hưởng đến cục diện thế giới