Đó là mục tiêu của Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 do Bộ Y tế xây dựng và thực hiện.
Vừa qua, tại TP.Huế, Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin, định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ cơ cấu và chất lượng dân số đã cung cấp thông tin về Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 theo quyết định phê duyệt số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7.12.2020.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng chương trình này với nhiệm vụ tầm soát (sàng lọc), chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai thí điểm từ năm 2007 đến năm 2013. Đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đến 63 tỉnh. Toàn quốc đã có 5 trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trường Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An; 2 đơn vị hỗ trợ nghiên cứu mở rộng mặt bệnh tầm soát gồm Bệnh viện Nhi Trung ương và Đại học Y Hà Nội.
Tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% (năm 2016) lên 56,43% (năm 2019). Tỉ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 35% (năm 2016) lên 40% (năm 2019).
Tuy nhiên, việc triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề này còn hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa được bao phủ rộng khắp gây hạn chế việc tiếp cận sử dụng dịch vụ của người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Đầu tư, ứng dụng kỹ thuật mới để đạt mục tiêu đề ra
Mục tiêu cụ thể của chương trình là tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% vào năm 2025, đạt 90% năm 2030 và giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% vào năm 2025, đạt 70% vào năm 2030. Tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% vào năm 2025, đạt 90% vàonăm 2030…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, chương trình này sẽ đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm, cơ sở, trung tâm cung cấp dịch vụ. Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các trung tâm sàng lọc, chẩn đoán và các trung tâm chuyên sâu hiện có.
Chương trình cũng sẽ đầu tư mới 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán tại khu vực Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, 3 cơ sở sàng lọc, chẩn đoán ngang tầm ASEAN.
Đặc biệt, chương trình sẽ đào tạo chuyên gia, cán bộ, nhân viên kỹ thuật tiếp nhận, chuyển giao công nghệ y sinh phục vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, người cung cấp dịch vụ bao gồm khu vực ngoài công lập.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ nghiên cứu, xây dựng bản đồ dịch tễ đối với các bệnh tật cần sàng lọc trên phạm vi toàn quốc và tại các vùng, địa bàn trọng điểm; nghiên cứu, thử nghiệm và phổ biến kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.