Nhà sáng lập TSMC - Morris Chang cho biết Trung Quốc chưa phải là đối thủ cạnh tranh với Đài Loan trong ngành chip dù được trợ cấp khổng lồ.
Morris Chang (Trương Trung Mưu), người sáng lập và cựu chủ tịch TSMC - công ty chip có giá trị nhất thế giới hiện nay, đã kêu gọi Đài Loan và chính quyền hòn đảo duy trì vị trí dẫn đầu sản xuất chất bán dẫn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy xây dựng năng lực sản xuất chip riêng.
Thành lập TSMC vào năm 1987, ông Morris Chang (89 tuổi) được coi là cha đẻ ngành công nghiệp chip của Đài Loan.
"Sản xuất chất bán dẫn là một ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến cuộc sống hàng ngày, nền kinh tế và quốc phòng. Đây cũng là ngành công nghiệp đầu tiên mà Đài Loan giành được vị thế cạnh tranh trên trường toàn cầu", ông Morris Chang nói tại một diễn đàn kinh tế ở Đài Bắc.
Ông Morris Chang cho hay: “Rất khó để tạo ra một ngành công nghiệp chip hàng đầu như vậy trong nhiều năm và cũng rất khó khăn để duy trì lợi thế này. Tôi kêu gọi chính quyền, xã hội và TSMC hãy giữ chặt lấy nó".
Bình luận của ông Morris Chang được đưa ra khi các nền kinh tế lớn đẩy mạnh nỗ lực sản xuất chất bán dẫn quan trọng trong nước. Mỹ đang tìm cách dành 50 tỉ USD trở lên để hỗ trợ sản xuất chip trong nước, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hồi đầu năm sẽ nội địa hóa 20% ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất vào năm 2030. Trong khi đó, Trung Quốc đặt việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trở thành chính sách ưu tiên hàng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.
Đánh giá về sức mạnh của những đối thủ này, ông Morris Chang cho biết Mỹ có lợi thế cạnh tranh về tài nguyên vật lý và môi trường cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, bao gồm đất đai, nước và điện. "Tuy nhiên, họ thiếu tài năng chuyên dụng - bao gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân dây chuyền sản xuất tận tâm và tận lực - cũng như khả năng huy động nhân lực sản xuất trên quy mô lớn", ông Morris Chang nói.
Ngược lại, ông Morris Chang cho rằng Đài Loan có tài năng kỹ thuật và nhà lãnh đạo xuất sắc, với khả năng quản lý của họ thì "không nhất thiết phải làm việc ở nước ngoài".
Ông Morris Chang cũng nói đơn giá sản xuất chip ở Mỹ cao hơn ở Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng các khoản trợ cấp từ chính phủ liên bang và tiểu bang "sẽ không tồn tại mãi mãi", không đủ để bù đắp điểm yếu cạnh tranh lâu dài của việc sản xuất chip ở Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chi hàng chục tỉ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp chip của mình 20 năm qua, nhưng năng lực sản xuất của nước này vẫn kém TSMC ít nhất 5 năm, theo ông Morris Chang. Về năng lực thiết kế chip, Trung Quốc kém Mỹ và Đài Loan 1 hoặc 2 năm. Ông nói: “Trung Quốc vẫn chưa phải là một đối thủ cạnh tranh”.
Theo ông Morris Chang, đối thủ lớn nhất của TSMC là Samsung (Hàn Quốc), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
"Hàn Quốc có các lợi thế cạnh tranh tương tự như Đài Loan. Tuy nhiên, những gì tốt ở Hàn Quốc chưa chắc đã tốt nếu họ hoạt động ở nước ngoài", ông Morris Chang nhận định.
Ông Morris Chang là nhân vật được kính trọng trong ngành công nghiệp chip toàn cầu, với sự nghiệp kéo dài 6 thập kỷ. Ông đã làm việc với Jack Kilby, nhà phát minh ra mạch tích hợp, trong thời gian làm tại Texas Instruments (tập đoàn sản xuất chất bán dẫn, phụ tùng máy điện toán và bàn tính ở Mỹ), nơi ông từng là giám đốc điều hành cấp cao trong 25 năm. Năm 1985, ông Morris Chang được Đài Loan mời sang giúp phát triển ngành công nghiệp chip non trẻ của hòn đảo. Hai năm sau, ông thành lập TSMC, hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Đầu năm ngoái, ông Morris Chang mô tả đại dịch COVID-19 là một loại "chiến tranh" mới, dự đoán rằng nó sẽ thay đổi đáng kể cách sống của con người và mang lại sự gián đoạn lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Cuối năm đó, khi căng thẳng liên quan đến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên, ông Morris Chang mô tả TSMC là nguồn lực chiến lược quan trọng mà tất cả công ty trong ngành và thậm chí các quốc gia đều muốn đảm bảo sự hợp tác.
Hiện tại, khoảng 75% công suất sản xuất chất bán dẫn, cũng như nhiều nhà cung cấp vật liệu chính, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Mỹ). Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cũng chỉ ra rằng Đài Loan chiếm 92% sản lượng toàn cầu về chip tiên tiến dưới 10 nanomet (đề cập đến độ rộng đường truyền giữa các bóng bán dẫn trên chip và được sử dụng như một chỉ số về hiệu suất, con số càng nhỏ thì chip càng cao cấp).
Vai trò quan trọng của Đài Loan trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã được nhấn mạnh khi các nền kinh tế sản xuất ô tô lớn của Mỹ, Nhật Bản và Đức đều gây áp lực để chính quyền hòn đảo này ưu tiên sản xuất chip ô tô trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm.
Nhu cầu về chip bùng nổ cũng đang làm căng thẳng các nguồn lực và cơ sở hạ tầng của Đài Loan. Đài Loan đang ở giữa đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 57 năm và một số thành phố đã bắt đầu khoan giếng để sử dụng cho mục đích dân cư, thương mại và công nghiệp. Mức tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ tăng đột biến trong những tháng mùa hè nóng nực, có nghĩa là nguồn cung cấp điện có thể sẽ là thách thức khác với ngành công nghệ Đài Loan.