Hôm 16.10, NASA đã khởi động sứ mệnh đầu tiên để nghiên cứu tiểu hành tinh Trojan của sao Mộc, hai cụm đá không gian lớn mà các nhà khoa học tin rằng là tàn tích của vật chất nguyên thủy hình thành nên các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời.
NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cho biết tàu thăm dò vũ trụ có tên Lucy, được đóng gói bên trong một khoang chở hàng đặc biệt, cất cánh theo lịch trình từ Trạm Không quân Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ) lúc 5 giờ 34 sáng EDT (16 giờ 34 giờ Việt Nam). Nó được đưa lên cao bởi một tên lửa Atlas V của United Launch Alliance (UAL), liên doanh của Boeing Co và Lockheed Martin Corp.
Nhiệm vụ của Lucy là chuyến thám hiểm kéo dài 12 năm để nghiên cứu số lượng tiểu hành tinh kỷ lục. Đây sẽ là lần đầu tiên khám phá tiểu hành tinh Trojan, hàng ngàn vật thể đá quay quanh Mặt trời thành hai bầy - bầy thứ nhất ở phía trước sao Mộc (hành tinh lớn nhất của hệ Mặt trời) và bầy còn lại ở cách xa đằng sau.
Các tiểu hành tinh Trojan lớn nhất được cho có đường kính lên tới 225 km (140 dặm).
Các nhà khoa học hy vọng vụ bay cận cảnh 7 Trojan của tàu Lucy sẽ mang lại những manh mối mới về cách các hành tinh trong hệ Mặt trời được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỉ năm và điều gì đã định hình nên cấu hình hiện tại của chúng.
Được cho là giàu hợp chất carbon, các tiểu hành tinh thậm chí có thể cung cấp những hiểu biết mới về nguồn gốc của các vật liệu hữu cơ và sự sống trên Trái đất, theo NASA.
Harold Levison, điều tra viên chính của sứ mệnh thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam ở thành phố Boulder (bang Colorado, Mỹ), nói: “Các tiểu hành tinh Trojan là 'thức ăn thừa' từ những ngày đầu của hệ Mặt trời của chúng ta, thực sự là hóa thạch của quá trình hình thành hành tinh”.
Không có sứ mệnh khoa học đơn lẻ nào được thiết kế để thăm nhiều vật thể khác nhau quay quanh Mặt trời một cách độc lập trong lịch sử khám phá không gian, NASA cho biết.
Tàu Lucy sẽ bay ngang qua một tiểu hành tinh trong vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt trời có tên DonaldJohanson (tương tự Trojan) để vinh danh người dẫn đầu phát hiện ra Lucy - tổ tiên loài người đã hóa thạch, từ đó sứ mệnh NASA lấy tên của nó. Hóa thạch Lucy, được khai quật ở Ethiopia vào năm 1974 và đặt tên cho bản hit Lucy in the Sky with Diamonds của ban nhạc Beatles.
Năm 1974, các nhà khoa học đã tìm ra ra bộ xương hóa thạch còn khá nguyên vẹn có niên đại 3,2 triệu năm (theo phương pháp xác định bằng carbon) của một người vượn cổ vùng Afar, đông bắc Ethiopia.
Bộ xương hóa thạch này được các nhà khoa học đặt tên là Lucy. Theo kết luận của các nhà khoa học, Lucy là một phụ nữ trưởng thành nhưng vẫn còn rất trẻ, không thấy bất kỳ tổn thương nào cũng như dấu hiệu của tuổi già.
Nguyên nhân cái chết của Lucy là một trong những bí ẩn mà các nhà khoa học muốn khám phá.
Theo các nhà khoa học Mỹ, Lucy chết do ngã cây. Họ cho biết 40% xương của Lucy được tìm thấy ở khu vực bị cây bao phủ, điều đó có thể cho thấy cành cây là chỗ "đỗ" cuối cùng của Lucy trước khi chết.
Lucy - tàu thăm dò tiểu hành tinh sẽ làm nên lịch sử theo một cách khác. Theo NASA, theo lộ trình quay trở lại Trái đất ba lần để nhận được sự hỗ trợ của trọng lực trong việc đi đúng hướng, nó sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên quay trở lại vùng lân cận của Trái đất từ bên ngoài hệ Mặt trời, theo NASA.
Tàu thăm dò sẽ sử dụng động cơ đẩy tên lửa để di chuyển trong không gian và hai mảng năng lượng mặt trời tròn, mỗi mảng có chiều rộng bằng một chiếc xe buýt trường học, để sạc pin cung cấp năng lượng cho các thiết bị chứa trong phần thân trung tâm nhỏ hơn nhiều của tàu vũ trụ.