NATO đang phát triển kế hoạch 10 năm để xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, với cuộc họp đầu tiên giữa liên minh và Kyiv dự kiến ​​vào tuần tới.

NATO có đang 'gián tiếp' thu nạp Ukraine?

Hoàng Vũ | 13/10/2022, 13:50

NATO đang phát triển kế hoạch 10 năm để xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, với cuộc họp đầu tiên giữa liên minh và Kyiv dự kiến ​​vào tuần tới.

Cuộc họp NATO - Ukraine sẽ là bước khởi đầu của một quá trình dài được các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gợi ý trong nhiều tuần về cam kết lâu dài với Ukraine để đưa Kyiv xích lại gần hơn với liên minh cả về đào tạo và trang bị.

“Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu lập kế hoạch quốc phòng để giúp Ukraine có thể tương tác hoàn toàn với NATO. Đó là việc chuyển từ thiết bị của Liên Xô... sang thiết bị của phương Tây tương thích với NATO", một quan chức cấp cao của NATO cho biết trên Politico.

Các quan chức hàng đầu của liên minh đã gặp nhau trong tháng này để bắt đầu lên kế hoạch giúp đỡ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, đồng thời bổ sung kho vũ khí và thiết bị của riêng họ vốn đã được viện trợ cho Kyiv kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, nỗ lực mới do NATO dẫn đầu này sẽ chỉ tập trung vào Ukraine.

"Chúng tôi sẽ xem xét cách để cố gắng và xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine", quan chức NATO nói thêm.

nato-ukraine.png
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp của NATO - Ảnh: Reuters

Các nhà quan sát tin rằng nỗ lực như vậy có thể biến Ukraine thành một quốc gia NATO "không chính thức", dù trên thực tế điều kiện để trở thành thành viên NATO cần phải có sự đồng ý của tất cả 30 quốc gia thành viên.

Hồi đầu tháng này, các nhà lãnh đạo của 9 nước thành viên NATO đã ra tuyên bố chung ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh, đồng thời kêu gọi tất cả thành viên NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv.

Động thái trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30.9 đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Bằng cách xin gia nhập, Kyiv tiếp tục gây áp lực buộc các nước NATO phải hỗ trợ nhiều hơn về ngoại giao và quân sự để Ukraine chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài với Nga.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng cũng như bất cứ quốc gia châu Âu nào khác, Ukraine có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO, ngay cả khi liên minh này tìm cách tránh xung đột trực tiếp với Nga. Ông Stoltenberg cũng khẳng định, để gia nhập thì Ukraine cần sự ủng hộ của toàn bộ 30 thành viên của khối.

Theo các nhà phân tích, cho đến nay, vẫn chưa có đủ sự đồng thuận của 30 thành viên NATO để cho phép Ukraine gia nhập liên minh. Hungary - một quốc gia thành viên NATO - được cho là một trong những đồng minh châu Âu cuối cùng của Nga - luôn thúc đẩy những nỗ lực cản trở các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vào Moscow, có thể sẽ ngăn việc Ukraine tham gia liên minh.

Ngoài ra, một thành viên khác của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất có thể từ chối Ukraine gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa. Quốc gia này đã duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Ukraine và duy trì mối quan hệ với cả hai láng giềng bên bờ Biển Đen. 

Hồi tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thăm Nga, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO tới Nga sau khi bùng nổ cuộc xung đột tại Ukraine.

Với cách tiếp cận khác với các thành viên khác của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ luôn thể hiện vai trò trung gian hòa giải cân bằng và có trách nhiệm, khiến mối quan hệ Nga - Thổ cho đến nay vẫn "thuận buồm xuôi gió", đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Đáng chú ý, nguyện vọng gia nhập nhanh của Ukraine cũng sẽ gặp trở ngại khi cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây từng tuyên bố quá trình gia nhập NATO của Ukraine "nên được thực hiện vào thời điểm khác" và "cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, trên thực địa".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO có đang 'gián tiếp' thu nạp Ukraine?