Hãng tin Reuters tiết lộ NATO dự định yêu cầu các nước thành viên tăng dự trữ đạn dược hiện cạn kiệt nghiêm trọng do cuộc chiến tại Ukraine.

NATO lo ngại về dự trữ đạn dược

Cẩm Bình | 14/02/2023, 15:33

Hãng tin Reuters tiết lộ NATO dự định yêu cầu các nước thành viên tăng dự trữ đạn dược hiện cạn kiệt nghiêm trọng do cuộc chiến tại Ukraine.

Trước khi cuộc chiến nổ ra, nhiều nước không đạt được mức dự trữ mà liên minh đề ra bởi các quan chức nghĩ rằng hình thức tiêu hao đạn dược do đấu pháo quy mô lớn đã là chuyện quá khứ.

Nhưng giờ đây phương Tây phải không ngừng viện trợ và quân đội Ukraine bắn đến 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Kho dự trữ vì vậy cạn kiệt dần, lỗ hỗng về nhân lực lẫn tốc độ sản xuất đạn dược cũng bộc lộ rõ.

“Nếu xảy ra châu Âu đánh nhau với Nga, một số quốc gia sẽ hết đạn chỉ trong vài ngày”, một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters.

Một quan chức tiết lộ NATO vừa hoàn thành khảo sát đặc biệt về lượng đạn dược còn lại. Nguồn tin cho biết: “Mức NATO đề ra lẫn mức của từng nước thành viên gần như không đạt được. Giờ đây kho dự trữ còn bị giảm do cuộc chiến tại Ukraine, buộc NATO phải nâng mức dự trữ”.

Số lượng đạn dược còn lại và mức dự trữ đề ra đều là thông tin mật. Nói chung NATO yêu cầu các nước thành viên duy trì đủ sức mạnh quân sự để liên minh sử dụng trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Theo Reuters, điều này có nghĩa mỗi nước phải có một sư đoàn thiết giáp từ 10.000 - 30.000 quân trang bị đầy đủ đạn dược, có khả năng tác chiến cường độ cao trong khoảng thời gian nhất định.

Một nguồn tin quốc phòng tiết lộ chỉ riêng Đức đã thiếu đến 20 tỉ euro để đạt mức NATO đề ra. Bộ Quốc phòng Đức hiện từ chối bình luận.

Nguồn tin quan chức cho biết loại đạn thiếu hụt nhiều nhất là các loại có thể quyết định tình hình trận chiến, chẳng hạn như đạn pháo 155mm, tên lửa dùng cho hệ thống HIMARS, đạn dùng cho một số hệ thống phòng không IRIS-T, Patriot và Gepard - tất cả đều được quân đội Ukraine sử dụng với số lượng lớn.

Quyết định cuối cùng về mức dự trữ mới dự kiến sẽ có khi giới lãnh đạo NATO gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania vào tháng 7 tới.

nato.jpg
Viện trợ liên tục cho Ukraine khiến kho dự trữ đạn dược của NATO cạn kiệt - Ảnh: Reuters

Năng lực sản xuất

Không chỉ ảnh hưởng đến kho dự trữ, cuộc chiến tại Ukraine còn phơi bày tình trạng năng lực sản xuất đạn dược không thể tăng tốc sau nhiều thập niên đơn hàng sụt giảm. Mỹ và Pháp đã bắt đầu gây sức ép buộc các công ty quốc phòng đẩy mạnh sản xuất.

Tờ The New York Times vào cuối tháng 1 cho biết Washington đặt mục tiêu nâng sản lượng đạn pháo hằng tháng từ 14.400 lên 90.000 viên. Từ khi cuộc chiến nổ ra cho đến nay nước này đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vào tháng 7 năm ngoái hạ lệnh các nhà thầu quốc phòng xây dựng chiến lược “kinh tế thời chiến” để tăng tốc sản xuất đạn dược, vũ khí. Tính đến năm 2023 Pháp đã đặt mua số đạn dược trị giá khoảng 2 tỉ euro, một phần sẽ được nhà sản xuất giao trong năm nay.

Theo một số quan chức, thời gian sản xuất vũ khí hiện giảm từ 9 tháng xuống còn 3 tháng. Pháo Caesar chỉ cần 18 tháng thay vì 2 năm như trước.

Tại Đức, nghị sĩ đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Marie-Agnes Strack-Zimmermann đánh giá năm 2022 là “năm mất mát”. Bà than phiền công tác đặt hàng trang thiết bị quân sự thiếu tầm nhìn xa.

Tuy nhiên một số công ty quốc phòng đã chuẩn bị hành động. Tập đoàn Rheinmetall tuyên bố sẵn sàng tăng sản lượng đạn pháo 155mm từ 60.000 - 70.000 quả/năm lên 450.000 - 500.000 quả/năm, đồng thời đàm phán với đối tác Mỹ Lockheed Martin lập dây chuyền sản xuất HIMARS tại Đức.

Bài liên quan
Ngưỡng vũ khí hạt nhân bị hạ thấp: Nga đang tự vệ hay thách thức ‘lằn ranh đỏ’ của NATO?
Tổng thống Vladimir Putin hôm 19.11 đã ký phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, một động thái quan trọng trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO lo ngại về dự trữ đạn dược