Tổng thống Israel Isaac Herzog hôm 12.2 cảnh báo nước này đang trên bờ vực “sụp đổ hiến pháp và xã hội” bởi kế hoạch giảm bớt quyền lực của ngành tư pháp.
Theo Bloomberg, ông Herzog đã bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch cải cách tư pháp mà chính phủ mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra có thể làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của nền dân chủ Israel, sức hấp dẫn của nước này với các nhà đầu tư nước ngoài và mối quan hệ với các đồng minh.
“Việc thiếu đối thoại đang chia rẽ chúng ta từ bên trong, và tôi đang nói to và rõ ràng với các bạn. Thùng thuốc súng này sắp nổ tung. Đây là trường hợp khẩn cấp”, Tổng thống Israel Isaac Herzog phát biểu hôm 12.2.
Cảnh báo của ông Herzog được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn thu hút hàng chục nghìn người tham gia tại Israel để phản đối kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu. Rất nhiều nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc an ninh đã nghỉ hưu và các học giả pháp lý đều phản đối.
Tổng thống Israel đã gọi người biểu tình là “những người yêu nước đang sử dụng quyền được biểu tình vì số phận của dân tộc và quốc gia”. Ông Herzog cũng bày tỏ lo ngại bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nhấn mạnh đó là “lằn ranh đỏ không được phép vượt qua”.
Ngay sau khi ông Herzog phát biểu, kêu gọi thỏa hiệp và đối thoại, những người đứng đầu các ngân hàng hàng đầu của Israel như Hapoalim, Discount, Leumi và Mizrahi, đều lên tiếng ủng hộ đối với cách tiếp cận của Tổng thống Israel.
Được biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các trợ lý của ông muốn thông qua cải cách tư pháp, tăng cường vai trò của chính phủ trong việc bổ nhiệm các thẩm phán và hạn chế đáng kể thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc bãi bỏ luật. Dù đồng tình rằng Tòa án Tối cao Israel có quá nhiều quyền lực, nhiều người cho rằng kế hoạch này sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Các nhà phân tích cho rằng đề xuất cải tổ ngành tư pháp có thể dẫn đến một bộ máy tư pháp bị chính trị hóa nặng nề, trung thành với thủ tướng và mất đi sự giám sát truyền thống đối với nhánh lập pháp.
Tổng thống Herzog khẳng định Tòa án Tối cao là “niềm tự hào của đất nước”. Theo ông, các tòa án và thẩm phán bảo vệ xã hội và đất nước Israel. Israel là một nhà nước pháp quyền là nhờ vào sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, độc lập và tự chủ của hệ thống tư pháp.
“Hàng triệu công dân đang cho rằng cuộc cải cách là một nguy cơ thực sự đối với nền dân chủ Israel”, ông Herzog cảnh báo và cho biết trong những tuần gần đây ông đã làm việc với lãnh đạo của cả hai phía ủng hộ và phản đối cải tổ tư pháp. Herzog tự tin rằng vẫn có thể đạt được sự thỏa hiệp thông qua đàm phán.
Đồng minh bày tỏ quan ngại
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói New York Times vào cuối tuần trước rằng, giống như nền dân chủ của Mỹ, nền dân chủ của Israel dựa trên sự kiểm tra và cân bằng về thể chế, đặc biệt là thông qua một cơ quan tư pháp độc lập.
“Điều tuyệt vời của nền dân chủ Mỹ và nền dân chủ Israel là cả hai đều được xây dựng dựa trên các thể chế vững mạnh, dựa trên cơ chế kiểm tra và cân bằng, dựa trên một cơ quan tư pháp độc lập. Việc xây dựng sự đồng thuận cho những thay đổi cơ bản là thực sự quan trọng để đảm bảo rằng mọi người ủng hộ chúng cũng như để chúng có thể được duy trì", ông Biden nói.
Cựu Thủ tướng Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập, gọi những nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Tổng thống Herzog là hợp lý. “Nếu không ngồi lại đối thoại về cải cách tư pháp, các cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục, các cuộc biểu tình sẽ không dừng lại. Chúng tôi đang đấu tranh cho các giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, và cho chính ý tưởng chung sống ở đây với tư cách là một dân tộc”, ông Lapid cho hay.
Truyền thông Israel dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp nước này - Yariv Levin - người chịu trách nhiệm về cuộc đại tu ngành tư pháp, nói rằng ông sẵn sàng đối thoại nhưng sẽ không trì hoãn cải cách.