Ngày 20.11, Bộ Y tế chính thức khai trương “Cổng công khai y tế” với 5 lĩnh vực “nóng": dược và mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh và hành chính công.

Nếu công khai sớm, sẽ ít người vào tù hơn!

Lưu Nhi Dũ | 22/11/2020, 08:30

Ngày 20.11, Bộ Y tế chính thức khai trương “Cổng công khai y tế” với 5 lĩnh vực “nóng": dược và mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh và hành chính công.

Trong đó, Bộ Y tế công khai minh bạch các lĩnh vực, gồm: dược và mỹ phẩm, công khai hơn 60.000 loại thuốc đang lưu hành, hơn 41.000 giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế, các doanh nghiệp sai phạm; hơn 15.000 thông tin giá thiết bị y tế, vật tư y tế và sinh phẩm hóa chất; công khai hơn 28.000 các sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành và đã bị thu hồi,kể cả quảng cáo sai sự thực; công khai 1.900 hạng mục giá khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và giá niêm yết các dịch vụ tại các cơ sở y tế; công khai các kết quả xử lý thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tất cả dịch vụ y tế cũng sẽ được công khai. Đây là lời hứa của tân Bộ trưởng Y tế GS-TS Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng ngày 17.11.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ xác định phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương”; cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

Thuốc, các dịch vụ khám chữa bệnh là thứ mà người dân không thể trả giá và phải mua vô điều kiện, nếu để người dân mù mơ về giá, thì chỉ tiếp tay cho tiêu cực, cho cái xấu. 

Công khai các loại thuốc, cả thiết bị y tế và các dịch vụ y tế cũng là “thanh kiếm chữa lành các vết thương”, nếu nhìn lại thời gian qua, nhiều cán bộ ngành y tế vướng vào vòng lao lý thì mới hiểu được giá trị của sự công khai minh bạch với các dịch vụ y tế, kể cả đấu thầu dược phẩm, thiết bị y tế. 

Nhiều vụ án tham ô qua đấu thầu thuốc đã và đang được phanh phui, như ở Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk (làm nhiều cán bộ, trong đó có giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long phải vào tù)… Không chỉ cán bộ “ăn trên đầu bệnh nhân” phải vào tù mà người dân phải cắn răng mua thuốc giá cao!

Gần đây nhất, liên quan đến việc mua vật tư y tế - thiết bị xét nghiệm COVID-19 - hệ thống Realtime PCR xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), khiến PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - cựu giám đốc CDC Hà Nội phải vào tù cùng nhiều cán bộ thuộc cấp và các bên liên quan, khi cấu kết nâng khống giá cao gấp 3 lần.

Vụ án xảy ra trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành ở nước ta làm dư luận căm phẫn. Đặc biệt, như hiệu ứng domino, nhiều địa phương khác cũng đã hoặc đang đặt mua thiết bị PCR với giá cao bị đặt nghi vấn! Như Hải Phòng mua máy này với giá 10 tỉ, Quảng Ninh 8,4 tỉ, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình 7,9 tỉ, Quảng Nam 7,2 tỷ; một số tỉnh lân cận Hà Nội mua với giá 6,2 tỷ, trong khi Quảng Trị mua loại máy này có giá rất rẻ, chỉ có 1,45 tỉ đồng... Ngay lập tức các đơn vị này lọt vào “tầm ngắm” của ngành thanh tra và tìm cách “ứng phó” rất lộ liễu! 

Nguyên nhân của việc mỗi tỉnh, mỗi đơn vị y tế mua thiết bị PCR khác nhau là do thiếu công khai và đấu thầu thiếu minh bạch. Nếu thiết bị PCR được công khai trên “Cổng công khai y tế” như hiện nay, thì các đơn vị ấy có muốn tiêu cực cũng khó! 

Với việc ra đời “Cổng công khai y tế”, Bộ Y tế đang thể hiện quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành y tế, góp phần thực hiện việc xây dựng Chính phủ điện tử. Sắp tới đây Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã, kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn, quản lý hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân...

Cũng thông qua “Cổng công khai y tế” người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp, biết giá trị thực dịch vụ mình được cung cấp, đồng thời phát hiện tiêu cực. 

Hy vọng với “Cổng công khai y tế” này, ngành y tế hạn chế được tiêu cực, hạn chế hành vi đáng xấu hổ “ăn trên đầu bệnh nhân” như đã từng xảy ra! 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu công khai sớm, sẽ ít người vào tù hơn!