Dù số ca COVID-19 mới hàng ngày lập kỷ lục ở nhiều nước và các bệnh viện lấp đầy bệnh nhân, các nhà dịch tễ học đều có sự đồng thuận rằng biến thể Omicron chưa hẳn là thứ tồi tệ nhất. Biến thể nguy hiểm hơn sẽ kết hợp đặc tính lây lan cực nhanh của Omicron với độc lực từ Delta.
Ngay cả khi số ca mắc COVID-19 tăng cao ở nhiều nơi, điều đáng mừng là số ca tử vong không tăng lên theo mức độ tương tự. Omicron có khả năng lây truyền cực cao nhưng nhìn chung không gây bệnh nghiêm trọng như một số biến thể cũ hơn, chẳng hạn Delta.
Thở phào nhẹ nhõm khi Omicron gây tử vong tương đối thấp, một số nhà dịch tễ học đang dự đoán rằng biến thể tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Lo sợ về biến thể trong tương lai kết hợp khả năng lây truyền cực nhanh từ Omicron với mức độ gây bệnh nghiêm trọng của dòng Delta, các chuyên gia đang theo dõi chiến lược y tế công cộng mới được thử nghiệm sớm ở Israel: Phác đồ 4 mũi tiêm vắc xin Pfizer công nghệ mRNA.
“Tôi nghĩ đây sẽ là chiến lược trong tương lai”, Edwin Michael, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Nam Florida (Mỹ), nói.
Omicron đã đưa ra báo động với các cơ quan y tế trên toàn thế giới vào cuối tháng 11.2021 sau khi các quan chức ở Nam Phi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên. So với biến thể cũ, Omicron có khoảng 50 đột biến chính, khoảng 30 đột biến trong số đó nằm trên protein gai giúp vi rút xâm nhập vào tế bào của chúng ta.
Một số đột biến có liên quan đến khả năng tránh kháng thể, do đó tránh được một phần sự bảo vệ của vắc xin với cơ thể. Những đột biến khác có liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn. Cấu tạo di truyền của Omicron chỉ ra sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 ở những người chưa tiêm vắc xin cũng như tăng số ca nhiễm trùng đột phá mức độ nhẹ hơn ở những người đã tiêm vắc xin.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra. Các quan chức y tế đã ghi nhận hơn 10 triệu ca COVID-19 mới vào tuần đầu tiên của tháng 1.2022. Con số đó gần gấp đôi so với tuần tồi tệ nhất trước đây về số ca COVID-19 mới, hồi tháng 5.2021. Khoảng 3 triệu trong số hơn 10 triệu ca COVID-19 đó là ở Mỹ, nơi Omicron càn quét vào dịp Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới cũng như các chuyến du lịch và họp mặt gia đình liên quan.
May mắn thay, số người chết không tăng nhiều như ca mắc COVID-19. Trên toàn thế giới, có khoảng 43.000 ca tử vong do COVID-19 vào tuần đầu tiên của tháng 1.2022, dưới 10.000 ca trong số đó ở Mỹ.
Trong khi số người chết có xu hướng giảm so với số ca COVID-19, Omicron thống trị ở nhiều nơi đủ lâu để các nhà thống kê phân tách số ca với trường hợp tử vong.
Stephanie James, người đứng đầu phòng thí nghiệm xét nghiệm COVID-19 tại Đại học Regis ở bang Colorado (Mỹ), nói với tờ The Daily Beast: “Có thể nói rằng chúng tôi đã né được một viên đạn vì Omicron dường như không gây ra bệnh nghiêm trọng”. Bà nhấn mạnh rằng dữ liệu vẫn đang được thu thập, vì vậy chúng ta chưa thể biết rõ ràng về sự phân tách này.
Giả sử sự phân tách đang diễn ra, các chuyên gia quy nó do hai yếu tố.
Đầu tiên, Omicron có xu hướng nhân lên mạnh ở cổ họng chứ không phải ở phổi, nơi có khả năng gây tổn thương lâu dài hoặc tử vong cao hơn rất nhiều.
Các nhà nghiên cứu cho biết có sự khác biệt lớn về mức độ nhân lên của Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 khác. Qua đó có thể giúp dự đoán tác động của biến thể Omicron, hiện đã xuất hiện ở hơn 144 nước và vùng lãnh thổ, khiến 114 người chết đến nay, song con số thực có thể cao hơn nhiều.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông, Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần so với biến thể Delta trong các mẫu mô lấy từ phế quản, điều này có thể giúp lây lan nhanh từ người sang người. Song trong các mô phổi, Omicron sao chép chậm hơn 10 lần so với chủng SARS-CoV-2 gốc (được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc), có thể làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Trong một bản tin do Đại học Hồng Kông phát hành, trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Michael Chan Chi-wa, cho biết: "Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ COVID-19 nghiêm trọng ở người không chỉ được xác định bởi sự nhân lên của vi rút mà còn bởi đáp ứng miễn dịch của mỗi người với nhiễm trùng - đôi khi phát triển thành tình trạng viêm đe dọa đến tính mạng”.
Michael Chan Chi-wa nói thêm: "Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, một loại vi rút rất dễ lây nhiễm có thể dẫn đến nhiều ca bệnh nặng và tử vong hơn mặc dù bản thân nó ít gây bệnh nghiêm trọng. Kết hợp với các nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy Omicron có thể thoát khỏi một phần khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi bệnh COVID-19 trong quá khứ. Mối đe dọa tổng thể từ biến thể này có thể là rất đáng kể".
Jeremy Kamil, Phó giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Bang Louisiana Shreveport (Mỹ), bình luận: “Các tác giả này nhận thấy Omicron sao chép tốt một cách đáng kinh ngạc, thậm chí còn tốt hơn nhiều so với Delta trong mô phế quản. Điều này theo một cách nào đó có thể góp phần tạo ra lợi thế trong việc lây lan/truyền bệnh giữa con người. Tất nhiên, một thành phần trong khả năng truyền nhiễm của Omicron ở đời sống thực là thoát khỏi các kháng thể trung hòa bảo vệ chống lại nhiễm trùng ngay từ đầu. Nó có khả năng lây lan tốt ngay cả giữa những người đã được tiêm vắc xin, đặc biệt là những ai gần đây chưa được tiêm mũi tăng cường”.
Thứ hai, đến nay, các quốc gia đã sử dụng gần 9,3 tỉ liều vắc xin COVID-19, đủ để phần lớn dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều.
Tại Mỹ, 74,4% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, 62,3% nhận hai liều vắc xin mRNA (Pfizer hay Moderna) và 21,9% tiêm mũi tăng cường.
Omicron có khả năng tránh các kháng thể, có nghĩa là vắc xin có phần kém hiệu quả hơn khi chống nhiễm biến thể này này so với Delta và các dòng cũ khác. Thế nhưng, ngay cả khi không ngăn ngừa nhiễm Omicron, vắc xin vẫn làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nhiều người đã tiêm đủ liều vắc xin nhiễm biến thể Omicron thường bị bệnh nhẹ. Những triệu chứng thường thấy nhất ở người nhiểm Omicron là đau lưng dưới, đổ mồ hôi ban đêm và ngứa họng. Những triệu chứng khác của người nhiễm Omicron là đau đầu, đau cơ, chảy nước mũi, hắt hơi, buồn nôn và chán ăn.
Thật may là Omicron không gây ra điều tồi tệ hơn Delta. Vi rút tiến hóa để tồn tại. Điều đó có thể đồng nghĩa là khả năng lây truyền cao hơn, tránh được kháng thể và nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Omicron chỉ sở hữu hai đặc tính đầu tiên, song có khả năng biến thể tiếp theo có thể hội tụ cả ba yếu tố này.
“Khi nói đến đột biến vi rút, các sự kiện cực đoan có thể xảy ra với tỷ lệ hoặc xác suất không đáng kể nhưng dẫn đến hậu quả lớn", Stephanie James nói. Hãy tưởng tượng một dòng có khả năng truyền nhiễm cực nhanh như Omicron nhưng cũng tấn công phổi như Delta thường làm, hoặc biến thể thậm chí còn lão luyện hơn Omicron trong việc tránh vắc xin. Đó sẽ là biến thể SARS-CoV-2 gây ác mộng cho toàn thế giới và có thể xuất hiện trong tương lai.
Nếu ở đâu cũng đủ nguồn cung vắc xin COVID-19 và đa số dân chịu đi tiêm thì mầm bệnh SARS-CoV-2 sẽ ít cơ hội để đột biến. Cần biết rằng nhiều nước châu Phi đang thiếu vắc xin trầm trọng và khoảng 50 triệu người Mỹ nói rằng sẽ không bao giờ tiêm phòng COVID-19.
Aimee Bernard, nhà miễn dịch học của Đại học Colorado (Mỹ), nói: “Khi còn những người chưa tiêm vắc xin ở Mỹ và trên toàn cầu thì có khả năng sẽ phát sinh các biến thể SARS-CoV-2 mới”.
Tệ hơn nữa, sự tiến hóa liên tục của vi rút SARS-CoV-2 diễn ra trong bối cảnh khả năng miễn dịch đang suy yếu. Các kháng thể do vắc xin tạo ra hay xuất hiện tự nhiên từ lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đây sẽ mất dần theo thời gian. Không phải vô cớ mà các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia khuyến khích tiêm mũi vắc xin tăng cường chỉ 3 tháng sau khi liều thứ hai. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) là bên ngoại lệ và khuyến cáo người dân nên tiêm mũi tăng cường sau 5 tháng.
Một biến thể đáng sợ hơn nhiều so với Omicron có thể đang tiến hóa khi kháng thể của hàng tỉ người trên thế giới suy yếu. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia tin rằng phải tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm hoặc thậm chí nửa năm một lần. Chúng ta sẽ cần lần tiêm thứ tư, thứ năm, thứ sáu… nếu không có loại vắc xin chống lại tất cả biến thể?
Israel, quốc gia hàng đầu về y tế toàn cầu, đã biến kỳ vọng đó thành chính sách. Trích dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể kháng thể với liều mRNA bổ sung và không có lo ngại về an toàn, Bộ Y Israel tuần qua đã bắt đầu cung cấp liều vắc xin Pfizer thứ tư cho người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miễn dịch.
“Về mặt khoa học, họ đúng”, Ali Mokdad, Giáo sư khoa học đo lường sức khỏe tại Viện Y tế Đại học Washington (Mỹ), nói về các quan chức y tế Israel.
Nếu có nhược điểm thì đó là vẫn còn một số quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi, nơi nhiều người vẫn phải vật lộn để tiếp cận với bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào, chưa nói đến mũi thứ ba và thứ tư. Khi các nước giàu khác đi theo sự dẫn đầu của Israel và bắt đầu cung cấp mũi tiêm bổ sung thì sẽ có một số nguy cơ thậm chí còn lớn hơn trong việc phân phối vắc xin toàn cầu.
Ali Mokdad nói: “Nhược điểm là với phần còn lại của thế giới. Tôi đang đợi để nhận liều vắc xin COVID-19 đầu tiên và các bạn sắp tiêm liều thứ tư?”.
Giải pháp không phải là tước đi những liều vắc xin tăng cường mà họ cần để duy trì sự bảo vệ trước các biến thể trong tương lai và có khả năng nguy hiểm hơn. Giải pháp là các nước giàu nên tăng cường sản xuất vắc xin nhiều hơn nữa và tăng gấp đôi nỗ lực phân phối chúng đến các cộng đồng ít được đặc quyền nhất.
Với khả năng lây truyền siêu nhanh nhưng không bệnh nặng như các biến thể trước, Omicron có thể không quá đáng sợ trong suy nghĩ của một số người, đặc biệt là các nước tiêm nhiều vắc xin cho dân hoặc có tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó. Thế nhưng, biến thể SARS-CoV-2 tiếp theo có thể sẽ không như vậy.