Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết nước này cần tiêm mũi vắc xin tăng cường thêm cho 15 triệu dân để làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron và hy vọng tránh để các đơn vị chăm sóc đặc biệt quá tải.

Bộ trưởng Y tế Đức: Tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho hơn 80% dân để làm chậm sự lây lan Omicron

Sơn Vân | 05/01/2022, 09:02

Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết nước này cần tiêm mũi vắc xin tăng cường thêm cho 15 triệu dân để làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron và hy vọng tránh để các đơn vị chăm sóc đặc biệt quá tải.

Theo ông Karl Lauterbach, mô hình của Viện Robert Koch về sức khỏe cộng đồng cho thấy hơn 80% những người đã nhận hai mũi vắc xin COVID-19 sẽ cần đến liều thứ ba.

Trong số 59,3 triệu người Đức (71,3% dân số) nhận hai mũi vắc xin COVID-19, khoảng 32,7 triệu đã tiêm mũi tăng cường.

Điều này có nghĩa là cần thêm 15 triệu mũi vắc xin thứ ba nữa để vượt qua ngưỡng 80% mà các nhà vi rút học tin rằng cần thiết để tạo ra chất đệm chống lại Omicron, vốn lây lan cực nhanh.

Đức đã hạn chế các cuộc tụ tập riêng tư dành cho đối tượng đã tiêm vắc xin ở mức tối đa 10 người, đóng cửa các câu lạc bộ và vũ trường, cấm khán giả tham gia các sự kiện lớn, bao gồm cả cấm đến sân xem các trận đấu bóng đá, song chưa phong tỏa toàn quốc ngắn hạn để ngăn chặn làn sóng dịch thứ tư.

Karl Lauterbach cho rằng các hạn chế liên lạc kết hợp với nỗ lực đạt được hơn 80% dân số tiêm mũi vắc xin thứ ba sẽ làm chậm sự lây lan của Omicron.

"Điều này sẽ gây khó cho Omicron. Tiêm phòng nhắc lại là cách bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron", Karl Lauterbach nói.

can-tiem-mui-vac-xin-thu-3-cho-hon-80-dan-de-lam-cham-su-lay-lan-omicron1.jpg
Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach từng nói sự xuất hiện của Omicron là "tin tốt" nhưng nay đã thay đổi quan điểm

Đến nay Omicron đã được ghi nhận ở 140 nước và vùng lãnh thổ. Đức hiện báo cáo 35.529 ca nhiễm Omicron với 9 người chết do biến thể này, song con số thực có thể cao hơn rất nhiều.

Tính từ đầu đại dịch, Đức ghi nhận tổng cộng 7.279.025 ca COVID-19 với 113.471 người chết.

Hôm 21.12.2021, ông Karl Lauterbach khuyến nghị tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư để bảo vệ chống lại biến thể Omicron.

Karl Lauterbach cho biết Đức đã đặt hàng 80 triệu liều vắc xin BioNTech đặc trị Omicron để giao vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Ông nói: “Một chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường là nền tảng quan trọng nhất của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại Omicron. Mức độ bảo vệ khỏi các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 sau khi tiêm nhắc lại là rất cao. Tôi ước tính nó tốt hơn 90%".

Đức cũng đặt hàng 4 triệu liều vắc xin COVID-19 công nghệ protein tái tổ hợp của Novavax (được xem là dễ chấp nhận hơn với những người hoài nghi vắc xin) và 11 triệu liều vắc xin Valneva (đang chờ cấp phép).

Ông Karl Lauterbach nói thêm, các liều vắc xin của công ty công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) sẽ đến Đức vào tháng 1.2022.

Mũi vắc xin tăng cường giúp giảm nguy cơ lây truyền Omicron

Tỷ lệ những người được tiêm vắc xin lây vi rút SARS-CoV-2 nếu một thành viên trong gia đình nhiễm Omicron cao hơn gần 3 đến 4 lần so với Delta, nhưng mũi vắc xin tăng cường làm giảm nguy cơ đó.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu lây truyền được thu thập từ gần 12.000 hộ gia đình mắc COVID-19 ở Đan Mạch, trong đó có 2.225 hộ gia đình nhiễm biến thể Omicron.

Nhìn chung, đã có 6.397 ca lây vi rút SARS-CoV-2 thứ cấp trong tuần sau lần nhiễm đầu tiên trong nhà.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, tỷ lệ lây lan SARS-CoV-2 từ người sang người với những ai được tiêm vắc xin đầy đủ ở các hộ gia đình nhiễm Omicron cao hơn khoảng 2,6 lần so với các hộ gia đình nhiễm Delta. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên trang medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.

Ở các hộ gia đình nhiễm Omicron, những người đã nhận nũi vắc xin tăng cường có nguy cơ lây truyền vi rút cao hơn gần 3,7 lần so với các hộ gia đình nhiễm Delta.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào các hộ gia đình nhiễm Omicron, những người đã nhận mũi vắc xin tăng cường có nguy cơ nhiễm vi rút thấp hơn 56% so với những ai chỉ mới chỉ 2 mũi vắc xin Pfizer/Moderna hoặc 1 mũi Johnson & Johnson.

Khi mang SARS-CoV-2 về nhà, những người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường ít có khả năng truyền vi rút sang người khác hơn những người mới chích mới chỉ 2 mũi vắc xin Pfizer/Moderna hoặc 1 mũi Johnson & Johnson.

Ba loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng ở Đan Mạch là Pfizer, Moderna (công nghệ mRNA) và Johnson & Johnson (công nghệ vector vi rút). Mới đây, quốc gia Bắc Âu cấp phép thêm vắc xin COVID-19 công nghệ protein tái tổ hợp của Novavax.

Pfizer cung cấp cho Mỹ thêm 10 triệu liệu trình Paxlovid

Chính quyền Biden đã tăng gấp đôi đơn đặt hàng Paxlovid, thuốc uống kháng vi rút SARS-CoV-2 của Pfizer. Theo đó, hãng dược Mỹ cung cấp cho chính phủ tổng cộng 20 triệu liệu trình Paxlovid để đối phó với sự gia tăng ca COVID-19 kỷ lục.

Nhà Trắng dự kiến ​​sẽ có khoảng 4 triệu liệu trình Paxlovid cuối tháng 1.2022 và 10 triệu vào tháng 6.2022, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch trước đó, theo một quan chức chính quyền.

"Chúng tôi sẽ nhận được thuốc ngay khi chúng xuất hiện", quan chức này cho biết.

Chi tiết về thỏa thuận mở rộng, lớn nhất từ ​​trước đến nay của Pfizer với thuốc viên, không được công ty này tiết lộ.

Với đơn đặt hàng đầu tiên gồm 10 triệu liệu trình Paxlovid vào tháng 11.2021, chính phủ Mỹ nói sẽ trả cho Pfizer 5,29 tỉ USD.

"Những viên thuốc này sẽ được giao trong những tháng tới và đã được chứng minh là làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện, tử vong do COVID-19", Nhà Trắng cho biết trên Twitter.

Phác đồ kết hợp hai loại thuốc của Pfizer, uống tại nhà ngay sau khi thấy các triệu chứng COVID-19 trong vòng 5 ngày, cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trong một thử nghiệm lâm sàng, Paxlovid có hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những ca COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden có thể kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng hoặc sử dụng các quyền năng khác để tăng tốc độ giao hàng nếu Pfizer gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình sản xuất.

Molnupiravir, loại thuốc kháng vi rút của Merck & Co, cũng được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép vào tháng trước. Dù vậy, molnupiravir có hiệu quả thấp hơn Paxlovid.

Chính phủ Mỹ có một thỏa thuận mua khoảng 5 triệu liệu trình molnupiravir, với mức giá 700 USD cho mỗi liệu trình.

Ông Biden thúc giục tiêm vắc xin, cho biết Nhà Trắng cũng không miễn nhiễm với COVID-19

Tổng thống Joe Biden cho biết số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ngay cả tại Nhà Trắng khi ông kêu gọi những người Mỹ chưa được tiêm vắc xin hãy làm điều này và những người khác nên tiêm mũi tăng cường.

"Những người chưa tiêm vắc xin đang chiếm nhiều giường bệnh và các phòng cấp cứu đông đúc cùng các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, xin vui lòng, xin vui lòng, xin vui lòng tiêm vắc xin ngay bây giờ", ông Biden nói tại Nhà Trắng khi gặp nhóm phản ứng COVID-19 của mình.

Hôm 4.1, trang Bloomberg đưa tin Mỹ có hơn 1 triệu ca COVID-19 mới vào ngày 3.1. Biến thể Omicron đã đẩy số ca COVID-19 ở Mỹ lên mức cao kỷ lục mà chưa có quốc gia nào khác trên thế giới ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020.

Con số 1 triệu ca COVID-19 trong ngày 3.1 ở Mỹ gần gấp đôi 590.000 trường hợp cách đó 4 ngày. Trước đây, số ca COVID-19 cao nhất được ghi nhận trong 24 giờ trên thế giới là ở Ấn Độ (414.000 ca vào ngày 7.5.2021) khi quốc gia Nam Á bị biến thể Delta tàn phá.

Theo Bloomberg, nhiều người Mỹ tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà và không báo kết quả với chính quyền nên con số 1 triệu ca nêu trên có thể vẫn còn thấp hơn đáng kể so với thực tế.

Tình trạng bùng phát dịch COVID-19 khiến Mỹ hủy nhiều chuyến bay, hoãn việc mở cửa trường học và các văn phòng. Nhiều bệnh viện ở Mỹ rơi vào cảnh quá tải và các chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng.

Hơn 103.000 người ở Mỹ đang nhập viện do COVID-19, lần đầu tiên đạt 6 con số trong gần 4 tháng qua, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS).

Số ca nhập viện do COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục hơn 142.000 khoảng một năm trước (ngày 14.1.2021) và lần cuối cùng lên đến 100.000 vào 11.9.2021.

Biến thể Omicron được ước tính chiếm 95,4% các mắc COVID-19 lưu hành ở Mỹ tính đến tháng 1.1.2022, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Những lý do Omicron lây truyền nhanh gấp nhiều lần Delta
Theo nghiên cứu ở Đan Mạch, biến thể Omicron có khả năng phá vỡ khả năng miễn dịch ở những người được tiêm vắc xin hiệu quả hơn Delta. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao Omicron đang lây lan nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Y tế Đức: Tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho hơn 80% dân để làm chậm sự lây lan Omicron