Hôm 7.1.2022, chính phủ Chile cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư cho những người dân bị suy giảm miễn dịch.
Chile là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin và một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp liều vắc xin bổ sung.
"Bắt đầu từ thứ hai tới, ngày 10.1, chúng tôi sẽ bắt đầu quy trình tiêm vắc xin hàng loạt với liều thứ tư hoặc liều tăng cường thứ hai", Tổng thống Chile - Sebastian Pinera nói trong cuộc họp báo.
Chile là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất thế giới và được ca ngợi là hình mẫu về ứng phó với đại dịch. Hiện quốc gia Nam Mỹ đã tiêm hai liều vắc xin cho hơn 85% dân số và khoảng 57% nhận mũi thứ ba, theo trang Our World in Data.
Thông báo của Chile được đưa ra khi biến thể Omicron lây lan cực nhanh trên toàn thế giới, với một số quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, ngay cả trong những quần thể được tiêm vắc xin. Số ca COVID-19 ở Mexico đã tăng hơn gấp đôi tuần qua, trong khi Peru áp đặt các hạn chế mới tuần này.
"Thành công mà Chile đã đạt được trong quá trình tiêm vắc xin đưa chúng tôi vào số những quốc gia tốt nhất trên thế giới theo cách chúng tôi chống lại đại dịch này. Với liều vắc xin thứ tư , chúng tôi tìm cách duy trì vị trí dẫn đầu này, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của công dân chúng tôi", Sebastian Pinera cho hay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Chile - Enrique Paris nói liều vắc xin thứ tư là sự kết hợp những mũi tiêm từng được sử dụng ở nước này đến nay, bao gồm Sinovac, AstraZeneca và Pfizer-BioNTech.
Enrique Paris giải thích sự kết hợp các loại vắc xin khác nhau giữa liều đầu tiên và liều thứ tư sẽ giúp cải thiện đáp ứng miễn dịch.
Cụ thể hơn, những người từng nhận hai liều vắc xin Sinovac ban đầu sẽ nhận mũi AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech tăng cường.
Chile thông báo ca nhiễm Omicron đầu tiên vào đầu tháng 12.2021 và đã xác nhận 698 trường hợp nhiễm biến thể này, phần lớn từ những người đi du lịch nước ngoài.
Trước Chile, Israel đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin thứ tư của Pfizer-BioNTech cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Israel đóng vai trò hàng đầu trong việc nghiên cứu tác dụng của vắc xin COVID-19, là quốc gia triển khai tiêm chủng hai liều ban đầu nhanh nhất cho người dân 1 năm trước. Israel cũng là một trong những nước đầu tiên tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba.
Thủ tướng Israel - Naftali Bennett cho biết mũi vắc xin COVID-19 thứ tư của Pfizer-BioNTech tăng cường kháng thể gấp 5 lần sau khi tiêm 1 tuần, trích dẫn những phát hiện sơ bộ của một nghiên cứu ở nước này.
"Một tuần sau liều vắc xin thứ tư, chúng tôi biết ở mức độ chắc chắn cao hơn rằng tiêm liều này là an toàn", Thủ tướng Naftali Bennett nói tại Trung tâm Y tế Sheba, nơi tiêm mũi tăng cường thứ hai ở một cuộc thử nghiệm giữa các nhân viên của mình trong bối cảnh gia tăng toàn quốc về số ca nhiễm biến thể Omicron.
"Tin tức thứ hai: Chúng tôi biết rằng một tuần sau khi chích liều thứ tư, chúng tôi thấy số lượng kháng thể ở người được tiêm chủng tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể chống lại nhiễm vi rút, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng", ông Naftali Bennett nói thêm.
Theo Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel - Nachman Ash, số ca nhiễm Omicron tăng cao có thể khiến nước này đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Đến cuối tháng 12.2021, Israel cố gắng ngăn chặn Omicron ở mức độ nào đó nhưng với tỷ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh, số ca COVID-19 hàng ngày dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 3 tuần tới. Ông Nachman Ash cho biết điều này có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Nachman Ash nói với đài 103FM Radio: “Cái giá phải trả sẽ là rất nhiều. Con số sẽ phải rất cao để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Điều này có thể xảy ra nhưng chúng tôi không muốn tiếp cận nó bằng các cách lây nhiễm. Chúng tôi muốn nó xảy ra do nhiều người đã tiêm vắc xin".
Khả năng miễn dịch cộng đồng là thời điểm mà một quần thể được bảo vệ khỏi vi rút SARS-COV-2, thông qua tiêm vắc xin hoặc bởi những người phát triển kháng thể do từng mắc COVID-19.