Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải công khai, minh bạch, thực sự có tác dụng bình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, cần xem xét phương án không duy trì quỹ.

“Nếu không thuyết phục, cần xem xét không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu”

Hoài Lam | 15/03/2023, 23:59

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải công khai, minh bạch, thực sự có tác dụng bình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, cần xem xét phương án không duy trì quỹ.

Ngày 15.3, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu kết luận, trong đó nêu rõ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đánh giá kỹ sự cần thiết Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Đối với Quỹ bình ổn giá có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là giải pháp để bình ổn giá. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung đã rõ, đánh giá kỹ tác động và cần quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, quản lý quỹ, nguồn hình thành quỹ, quy định rõ thành lập quỹ phải có thời hạn. Trường hợp không làm rõ các nội dung này thì không quy định trong luật về việc thành lập quỹ.

hai.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Vì đây là một loại quỹ bình ổn giá nên phải tuân thủ nguyên tắc của Quỹ bình ổn giá, điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả thực sự có tác dụng trong mình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, cần phải xem xét phương án không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu", ông Hải nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu bởi cho rằng quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ quỹ là chưa phù hợp”, ông Cường nêu.

Nhóm ý kiến này cũng cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng quỹ.

Ở chiều ngược lại, theo ông Cường, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do, đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ.

cuong.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Các ý kiến này cũng cho rằng hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao.

"Tiếp thu ý kiến đa số đa số đại biểu, trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường", Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua, đánh giá về hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều đại biểu cho rằng chưa bảo đảm đúng mục đích sinh ra quỹ là để thu vào khi giá xuống, chi ra khi giá tăng cao để giữ sự điều chỉnh không tăng quá nhanh, ảnh hưởng đến mặt hàng khác.

“Chúng tôi có bảng theo dõi, ngày 21.6.2022 khi giá cao đỉnh điểm nhưng khi đó không có sự tác động gì của Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo giá xuống”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh dẫn chứng.

Ông Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng có 2 luồng ý kiến, đây là vấn đề hết sức trăn trở. Nhấn mạnh quan điểm cá nhân là nên giữ lại nhưng ông cho rằng phải khắc phục những khiếm khuyết tồn tại của việc điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua và cần có đánh giá tác động riêng về vấn đề này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nếu không thuyết phục, cần xem xét không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu”