Sau khi Ba Lan đề nghị trả 2 tỉ USD để Mỹ lập căn cứ quân sự thường trực “đề phòng Nga xâm lược”, Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov tuyên bố căn cứ này sẽ bị đặt vào tầm ngắm của tên lửa Nga.
Nghị sĩ Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) nói với trang tin thương mại RBC hôm 28.5: “Ba Lan trở thành mục tiêu không kích trả đũa vì lập căn cứ này”.
Ông cũng cảnh cáo một căn cứ thường trực của liên minh quân sự NATO sẽ khiến Ba Lan trở thành một trong những mục tiêu chính bị tấn công, nếu xảy ra nguy cơ chiến tranh. Ông còn nói: “Ba Lan càng thân cận NATO thì sự tồn tại của Ba Lan càng trở nên lâm nguy”.
Theo Reuters, Điện Kremlin cảnh cáo đề xuất lập căn cứ Mỹ ở Ba Lan sẽ gây nguy hiểm cho an ninh khu vực. Người phát ngôn Dmitri Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Khi chúng ta chứng kiến sự bành trướng ngày càng tăng của các cơ sở quân sự NATO sát biên giới chúng tôi... việc này dĩ nhiên không tạo ra an ninh và ổn định của châu lục”. Ông cũng nói nếu căn cứ Mỹ ở gần biên giới Nga, thì Nga sẽ có hành động trả đũa.
Ba Lan chịu chi tỉ đô để được Mỹ bảo đảm an ninh
Theo đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan do trang tin Onet.pl news của nước này đăng tải, Ba Lan đã đề nghị trả cho Mỹ 2 tỉ USDđể Mỹ lập căn cứ quân sự thường trực giúp “phòng chống nguy cơ Nga xâm lược”.
Tài liệu của Bộ quốc phòng Ba Lan dẫn lý do là Nga sát nhập Crimea năm 2014, can thiệp quân sự ở Syria giúp bảo vệ chế độ Tổng thống Bashar Assad, tấn công mạng vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cùng những hoạt động khác, để dẫn chứng cần phải phòng chống “quan điểm hung hăng của Moscow”.
Tài liệu viết: "Sự hiện diện thường trực của quân Mỹ ở Ba Lan sẽ phát thông điệp rõ ràng đến Nga, rằng Mỹ ủng hộ các đồng minh ở Đông Âu. Ba Lan cam kết cung cấp sự hỗ trợ đáng kể có thể từ 1,5 - 2 tỉ USD để xây dựng những căn cứ quân sự chung, và tạo điều kiện cho sự di chuyển linh hoạt của các lực lượng Mỹ. Mỹ-Ba Lan có thể xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn, và bảo đảm an ninh và tự do cho nhiều thế hệ đồng bào Ba Lan".
Theo Moscow Times, Bộ Quốc phòng Ba Lan gởi thẳng đề xuất này đến chính phủ Mỹ, không có sự phê duyệt của Tổng thống hoặc của Bộ Ngoại giao Ba Lan.
Các nhà phân tích nói Bộ không tin tưởng các đồng minh châu Âu trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga.
Từ hơn một năm qua, Ba Lan tạm thời đón nhận hơn 1.000 quân NATO, gồm lính Mỹ, ở phía nam vùng Kalingrad thuộc Nga, trong lúc NATO dàn quân sát biên giới Nga (ảnh).
Quân binh Mỹ được triển khai tạm ở Ba Lan - Ảnh: Getty Images
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cử 3.000 quân Mỹ đến Ba Lan hồi đầu năm 2017khiến Nga phẫn nộ. Lực lượng này đã tập trận chung với quân Ba Lan. Hồi tháng 2.2018, quân Mỹ-Ba Lan cùng quân Anh và pháo phòng không Rumania và Croatia cùng tham gia cuộc tập trận Báo Puma.
Cách đây 5 tháng, Mỹ-Ba Lan đạt một hợp đồng bán vũ khí trị giá gần 5 tỉ USD, với Ba Lan mua hệ thốg phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Đây được xem là một động thái nghiêm túc của Ba Lan trong việc đề phòng Nga.
Hồi tháng 7.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Ba Lan, tuyên bố hai nước “cùng chia sẻ mối liên minh mạnh mẽ”, và Mỹ “cam kết duy trì hòa bình, an ninh ở Trung Âu và Đông Âu”.
Nhưng ông Trump cũng nói rõ: sẽ không dùng tiền dân Mỹ đóng thuế để bảo đảm an ninh cho các nước Đông Âu.
Khi ra giá giúp 2 tỉ USD, Ba Lan nhắm tới việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã luôn hối thúc các đồng minh NATO tăng đóng góp ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Kể từ năm 2015 Ba Lan là quốc gia đã luôn đóng góp ngân sách này ở mức 2% GDP hoặc hơn.
Đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan viết: “Điều quan trọng là chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng, khiến cho quyết định này trở nên tiết kiệm, hiệu quả với chính phủ Mỹ, giảm bớt mọi lo lắng cho Quốc hội trong những giai đoạn ngân sách không chắc chắn".
"Liều thuốc độc Nga chích vào an ninh châu Âu"
Đề xuất của Ba Lan được đưa ra 3 tháng sau khi Nga dàn tên lửa Iskander có thể gắn đầu đạn hạt nhân đến vùng Kaliningrad vốn nằm giữa Ba Lan và Litva.
Từ sau khi Ba Lan gia nhập NATO năm 1999, các nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia, Litva) cũng noi gương, và đã chọc tức Nga.
Đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan đụng đến quan hệ giông bão giữa Moscow với Warsaw, khi lãnh đạo 2 nước này đe dọa lẫn nhau, gây lại sự chú ý về tình hình căng thẳng ở Đông Âu.
Xem raBa Lan sốt ruột trong việc công kích Nga. Vài giờ sau khi có thông tin về đề xuất của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố tại một hội nghị NATO ở thủ đô Warsaw: Nga tung hết nguồn tài nguyên năng lượng vào “một loại vũ khí mới” có thể gây bất ổn ở Đông Âu.
Ông Morawiecki chỉ trích dự án tuyến ống dẫn dầu Nord Stream 2, vốn sẽ chuyển thẳng nguồn khí tự nhiên của Nga qua Đức, bỏ mặc Ba Lan cùng các nước châu Âu khác. Ông còn gọi đây là dự án năng lượng tham vọng nhất của Nga, và là “liều thuốc độc chích thẳng vào an ninh châu Âu”.
Các quan chức Mỹ cũng mạnh mẽ chỉ trích dự án Nord Stream 2, gợi ý Washington nên tăng trừng phạt Nga nếu dự án này được tiến hành.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận, chỉ nói Mỹ đã biết đề xuất của Ba Lan và theo dõi tình hình. Theo AP, các nghị sĩ Mỹ đã bàn với Lầu Năm Góc về khả năng lập căn cứ thường trực ở Ba Lan. Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận.
Bảo Vĩnh (theo Washington Times)