Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, tuyên bố nước này sẽ duy trì “sự hiện diện cố vấn” ở Syria và tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm kháng chiến, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra yêu cầu 12 điểm đối với Tehran.
Theo ông Shamkhani, hiện diện tại Syria của Iran chỉ giới hạn trong vai trò cố vấn, nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa khủng bố theo yêu cầu hợp pháp của chính quyền Damascus.
“Chừng nào mối đe dọa khủng bố còn tồn tại ở Syria và chính phủ hợp pháp nước này cần duy trì sự hiện diện của Iran với vai trò tư vấn, chúng tôi sẽ vẫn ở lại”, ông Shamkhani khẳng định.
Quan chức này cũng lên án 12 yêu cầu mà Mỹ đặt ra, bao gồm đề nghị quốc gia Trung Đông phải công bố toàn bộ quá trình phát triển vũ khí hạt nhân trong quá khứ, dừng tất cả hoạt động làm giàu uranium, dừng việc phóng tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân, ngừng hỗ trợ các nhóm Hamas, Hezbollah, phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) và phiến quân Houthi ở Yemen, rút mọi lực lượng quân đội khỏi Syria.
Theo ông Shamkhani: “Chương trình tên lửa của Iran hoàn toàn mang tính phòng thủ. Chúng tôi không cần ai cho phép để phát triển năng lực quốc phòng của mình và không đàm phán về vấn đề này. Không có lý do gì để đàm phán với một nước không tuân thủ các cam kết của mình. Khi rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ đã phá vỡ thỏa thuận quốc tế”.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên hành động dứt khoát hơn trong việc lên án và ngăn chặc các biện pháp vi phạm thỏa thuận của JCPOA.
Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do Washington cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Iran hồi năm 2015. Theo đó, nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì Iran đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 21.5 đe dọa áp đặt “những trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử”, bằng kinh tế lẫn quân sự, với Iran, nếu quốc gia Trung Đông không đáp ứng danh sách yêu cầu do Washington đưa ra.
Trước động thái cứng rắncủa Mỹ, các bên còn lại trong JCPOA, đặc biệt là những cường quốc châu Âu, đang nỗ lực duy trì thỏa thuận.
Cẩm Bình (theo Sputnik News)