Theo CNN, Nga đã cáo buộc một nhà nghiên cứu hàng đầu về Bắc Cực tội phản quốc khi cho rằng người này đã cung cấp thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc.

Nga cáo buộc một nhà khoa học tội phản quốc vì bán tin mật cho Trung Quốc

17/06/2020, 19:38

Theo CNN, Nga đã cáo buộc một nhà nghiên cứu hàng đầu về Bắc Cực tội phản quốc khi cho rằng người này đã cung cấp thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc.

Tổng thống Putin rất quan tâm đến Bắc Cực - Ảnh: CNN

Các nhà điều tra cho rằng ông Valery Mitko, Chủ tịch Viện Khoa học Bắc cực ở St. Petersburg, đã chuyển một tài liệu có chứa bí mật cấp nhà nước cho tình báo Trung Quốc vào đầu năm 2018 tại Đại học Hàng hải Đại Liên ở Trung Quốc, nơi ông là giáo sư thỉnh giảng. Thông tin trên được luật sư của ông Mitko là Ivan Pavlov xác nhận với CNN.

Theo Pavlov, tài liệu được đề cập liên quan đến thủy âm, nghiên cứu âm thanh trong nước thường được áp dụng trong điều hướng dưới nước, liên lạc thông tin và giám sát hoạt động của tàu ngầm…

Ông Mitko, 78 tuổi, phủ nhận mọi hành vi sai trái. Luật sư Pavlov khẳng định rằng tất cả thông tin mà thân chủ của ông mang từ Nga sang Trung Quốc phục vụ cho các bài giảng của ông đều không phải tài liệu mật. Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

Ông Mitko bị buộc tội phản quốc và bị quản thúc tại gia vào tháng 2 năm nay nhưng các chi tiết về vụ án của ông ta mới chỉ xuất hiện, sau khi đội luật sư bào chữa Komanda29, tung ra để thu hút sự chú ý của công chúng.

Trước Mitko, một số học giả Nga đã bị buộc tội hoặc bị kết án về việc truyền bí mật nhà nước cho các chính phủ nước ngoài trong những năm gần đây. Năm 2018, một tòa án ở Moscow đã buộc tội Viktor Kudryavtsev, một kỹ sư hàng không vũ trụ, cũng với tội phản quốc vì đã chia sẻ một báo cáo có chứa thông tin về vũ khí siêu âm của Nga với một viện nghiên cứu của Bỉ sau một chương trình nghiên cứu chung.

Kudryavtsev, người ở độ tuổi gần 70, đã bị giam hơn một năm rồi được quản thúc tại gia vì sức khỏe yếu. Vụ án của ông vẫn đang trong quá trình điều tra trước khi xét xử. Hai nhân viên khác trong viện mà Kudryavtsev làm việc khi đó cũng đã bị bắt vì tội phản quốc nhà nước.

Theo TASS, một nhà nghiên cứu không gian khác, Vladimir Laccogin, 79 tuổi, đã được phóng thích trước thời hạn vào tuần trước, sau khi bị kết án năm 2016 vì đã chuyển các chi tiết kỹ thuật về tàu vũ trụ của Nga sang Trung Quốc.

Tất cả các nhà khoa học đã phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng thông tin mà họ bị cáo buộc đã chia sẻ vốn không được coi là mật.

Luật sư Pavlov cho rằng các vụ án là sản phẩm từ trí tưởng tưởng của các đặc vụ Nga. Thống kê của tòa án cho thấy tổng số vụ kiện liên quan đến an ninh quốc gia tăng vọt sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 mà theo Pavlov đã tạo ra "tinh thần nhà binh" trong thực thi pháp luật.

Theo dữ liệu do Tòa án tối cao Nga công bố, từ năm 2009 đến 2013, chỉ có tổng cộng 25 người bị kết án về tội phản quốc nhưng chỉ riêng trong năm 2014 đã có 15 vụ. Từ năm 2014 đến 2019, 51 người đã bị kết án vì tội phản quốc.

Ông Pavlov phân tích: "Có một số nguy cơ cho những người sở hữu một số thông tin nhạy cảm hoặc thu thập thông tin đó. Trước hết, họ là các nhà khoa học nhưng cũng có thể là nhà báo hoặc nhà hoạt động dân sự. Các đặc vụ giám sát những đối tượng có quan hệ quốc tế và liên hệ nước ngoài, nên họ có tâm lý đề phòng khi đối tượng của họ ra nước ngoài... và tâm lý của các đặc vụ của chúng ta luôn bị ám ảnh là nếu một nhà khoa học ra nước ngoài, dĩ nhiên người đó đi để bán bí mật".

Quan hệ Nga - Trung không đơn giản

Kể từ khi Trung Quốc tự xưng là "một quốc gia gần Bắc Cực", họ đã tăng cường đáng kể các nỗ lực để tăng cường sự hiện diện ở đó, hầu hết là nhờ sự giúp đỡ của Nga và bỏ qua các quốc gia ven biển khác có liên minh với Mỹ và NATO. Mặt khác, Nga đã ưu tiên cải tổ các khu vực lãnh thổ của họ trong vòng Bắc Cực, phần lớn đã bị bỏ hoang sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Vào tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã tiết lộ kế hoạch Bắc cực 2035 đầy tham vọng với hy vọng mang lại việc làm trong khu vực, bằng cách phát triển các dự án năng lượng khổng lồ mà Trung Quốc đầu tư nhiều. Nga cũng đang tìm cách xuất khẩu dầu khí khi Tuyến đường Biển Bắc ngày càng thông thoáng do băng tan. Tuy nhiên, Nga cũng không hề coi Trung Quốc là một người bạn tốt, một đối tác đáng tin cậy hoàn toàn.

Những người theo dõi mối quan hệ Nga-Trung Quốc tin rằng các cáo buộc gián điệp chống lại một nhà nghiên cứu về Bắc Cực có thể làm bùng lên một cuộc cạnh tranh đang có xu hướng phát triển giữa hai nước. Moscow và Bắc Kinh đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược ở Bắc Cực trong bối cảnh cùng đang gia tăng căng thẳng với phương Tây. Thế nhưng Nga vẫn thận trọng về bất kỳ sự hợp tác quân sự nào trong khu vực đó.

Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình Nga trong châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá: "Trung Quốc thực sự cho thấy họ có tham vọng quân sự bằng cài gián điệp theo dõi lĩnh vực này. Tàu ngầm của họ hoạt động ở vùng biển quốc tế và có lẽ chúng ta đang chứng kiến ​​một mặt trận mới thể hiện sự phát triển hải quân toàn cầu của Trung Quốc. Và tàu ngầm (Trung Quốc) có thể hoạt động ở Bắc Cực là một phần của chiến dịch đó".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga cáo buộc một nhà khoa học tội phản quốc vì bán tin mật cho Trung Quốc