Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu đã làm tê liệt hệ thống tài chính thế giới trong khi các ngân hàng Nga vẫn tương đối cách ly khỏi những rủi ro tiềm tàng.

Nga có hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ngân hàng của phương Tây?

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 17/03/2023, 10:48

Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu đã làm tê liệt hệ thống tài chính thế giới trong khi các ngân hàng Nga vẫn tương đối cách ly khỏi những rủi ro tiềm tàng.

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ đã giảm sút nhanh chóng trong tuần qua sau sự sụp đổ của SVB và Ngân hàng Signature. Đây là hai vụ phá sản lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ sau năm 2008. Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ đã phải giải cứu Ngân hàng Credit Suisse khỏi tình trạng vỡ nợ.

sup-do-ngan-hang.png
Sự sụp đổ của SVB gây ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng toàn cầu - Ảnh: Reuters

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng sự sụp đổ của một ngân hàng quy mô như Credit Suisse hay SVB có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, họ cho rằng điều đó "sẽ có rất ít tác động đến các ngân hàng Nga hoặc hệ thống tài chính Nga".

"Sau một năm bị cấm vận và cô lập về kinh tế, các ngân hàng của Nga hiện được cách ly tốt với phương Tây", Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho Newsweek biết.

Trong khi đó, chuyên gia Michael Kimmage tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định Nga có thể dựa vào những biến cố này để chứng tỏ rằng phương Tây đang suy yếu và không thể hỗ trợ Ukraine lâu dài.

Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, Nga tăng cường quan hệ với các quốc gia ở phương Đông, như Trung Quốc và Iran, nhằm đối phó với số lượng lệnh trừng phạt tài chính ngày càng tăng từ phương Tây.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Nouriel Roubini, dù Nga có thể có một số lợi thế khi bị cách ly khỏi các ngân hàng châu Âu, Moscow sẽ phải hứng chịu sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng về lâu dài do chiến tranh và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt dầu mỏ của Nga, giá dầu toàn cầu đã tăng vọt hơn 120 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện và thảm khốc nổ ra, cả Roubini và Hufbauer đều đồng ý nó sẽ dẫn đến một đợt giảm giá dầu và khí đốt nghiêm trọng khác, gây tổn hại thêm cho nền kinh tế Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố GDP của Nga chỉ giảm 2% vào năm 2022, nhưng các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin sử dụng chưa đủ số liệu thống kê. “Nga đã sử dụng các báo cáo kinh tế có chọn lọc và cẩn thận. Moscow cũng trì hoãn việc công bố số liệu thống kê để đối chiếu với tuyên bố của ông Putin”, nhà phân tích Agathe Demarais cho hay.

Kimmage cũng lưu ý rằng những hình ảnh về sự đau khổ ở Ukraine đã có tác động gây tổn hại đến Nga, song sự chú ý của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể đóng vai trò làm phân tâm. “Sự chú ý sẽ tập trung vào nơi khác. Điều này hoàn toàn hữu ích đối với Nga”, ông nói.

Với lo ngại rằng kho đạn có thể cạn kiệt, rõ ràng Ukraine sẽ tiếp tục cần đến sự trợ giúp từ các đồng minh phương Tây. Nhưng nếu người châu Âu ngày càng quan tâm hơn đến tình hình tài chính của nước họ, công chúng rất có thể sẽ phản đối việc hỗ trợ ngân sách quá nhiều cho Kyiv.

“Sự bất ổn tài chính sẽ làm suy yếu kinh tế châu Âu và điều đó sẽ khiến việc tiếp tục gánh vác nỗ lực hỗ trợ Ukraine phản công Nga trở nên khó khăn hơn”, Alessandro Rebucci, phó giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói với Newsweek.

Bất chấp những áp lực đó, Kimmage và Rebucci cho rằng không có khả năng các cường quốc phương Tây sẽ từ bỏ sự ủng hộ của họ đối với Ukraine, bởi lập trường của họ về cuộc chiến không bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế mà là những cân nhắc chính trị.

“Tôi không thể tưởng tượng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo Tây Âu nào lại thay đổi tính toán của họ về cuộc chiến dựa trên một loạt vụ đổ vỡ ngân hàng, tất nhiên là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn mang tính cục bộ vào thời điểm này”, chuyên gia Kimmage nói.

Bài liên quan
Nga và Iran tăng cường hợp tác quốc phòng
Reuters đưa tin ngày 17.1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vừa ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 20 năm, qua đó tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga có hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ngân hàng của phương Tây?