Daniel R DePetris và Rajan Menon là hai chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Trên Guardian, hai tác giả này chung tên trong bài viết phân tích thế cục Ukraine.

Nga đổi chiến thuật kiểu gì khiến Ukraine ngộp thở trên chiến trường, phương Tây rơi vào lục đục?

Anh Tú (dịch) | 25/06/2022, 14:35

Daniel R DePetris và Rajan Menon là hai chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Trên Guardian, hai tác giả này chung tên trong bài viết phân tích thế cục Ukraine.

Các cuộc chiến tranh là một chuỗi các khúc quanh. Tương quan có thể thay đổi và nhanh chóng thay đổi vận may trên chiến trường, và các yếu tố vô hình như khả năng lãnh đạo và sự vận động có thể phá vỡ đánh giá của các nhà phân tích quân sự dày dạn kinh nghiệm nhất. Theo thời gian, các chiến dịch quân sự có thế hóa thành vũng lầy, khi sai lầm tích tụ, điều kiện tác chiến thay đổi và đối thủ thay đổi chiến thuật. Cuộc chiến ở Ukraine là một điển hình trong sách giáo khoa.

Trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã tỏ ra rất đáng gờm, can đảm và có khả năng sáng tạo cao chống lại Nga được trang bị vũ khí tốt hơn, bên mà các chuyên gia quân sự gần như nhất trí tin rằng sẽ chiếm ưu thế. Một ngày sau khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu, cộng đồng tình báo Mỹ lo ngại rằng các lực lượng Nga sẽ chiếm được Kyiv trong vài ngày tới. Vladimir Putin có lẽ đã thực hiện một cuộc hoạt động nhanh chóng và tương đối không không thiệt hại.

Hóa ra, quân đội Nga, vốn không tiến hành một cuộc chiến lớn nào kể từ sau cuộc chiến tranh thảm khốc ở Afghanistan bốn thập kỷ trước, lại không như kỳ vọng. Các đường tiếp tế, bị kéo dài đến điểm đứt gãy, đã hủy diệt nỗ lực của Nga trong việc đánh chiếm Kyiv; Những đoàn bọc thép dài hàng dặm của Nga gặp trắc trở trên đường, cạn sạch nhiên liệu. Đã có những tin tuyên truyền về tinh thần thấp kém, đầu hàng không chống cự, thậm chí đào ngũ trong hàng ngũ của Nga. Ngược lại, quân đội Ukraine tỏ ra rất dũng mãnh, chiến đấu dũng cảm, khéo léo lợi dụng địa hình đô thị để phục kích xe tăng Nga, biến chúng thành đống đổ nát. Hàng ngàn binh sĩ Nga có thể đã thiệt mạng trong tháng đầu tiên của cuộc chiến.

Tuy nhiên, người Nga không chỉ kiên trì bất chấp những thất bại khó tin, họ còn thích nghi từ những thất bại này. Trong khi một số nhà bình luận cho rằng việc Nga rút quân khỏi các khu vực Kyiv, Chernihiv, Kharkiv và Sumy vào đầu tháng 4 cho thấy những điểm yếu hệ thống của quân đội Nga, những cuộc rút lui đó hóa ra chỉ là một giai đoạn khác của cuộc chiến - một giai đoạn ít thuận lợi hơn, và khốc liệt hơn nhiều đối với người Ukraine.

Kể từ khi Nga chiếm được Mariupol một cách chậm rãi, giằng co và có phương pháp vào tháng 5, tương quan chiến tranh, ngày càng chênh lệch và tăng dần, đã thay đổi theo hướng có lợi cho Nga. Dù các lực lượng Nga tiếp tục hứng chịu tổn thất gồm hơn 760 xe tăng và 185 khẩu pháo, thì hỏa lực pháo binh không ngừng của Nga đang dần xóa sổ các lực lượng Ukraine và thậm chí còn làm suy sụp tinh thần.

Nga đã rút ra bài học như thế nào từ những sai sót của mình trong giai đoạn đầu của cuộc chiến? Đầu tiên, thay vì cố gắng tấn công toàn bộ Ukraine từ nhiều góc độ, một trò chơi gây căng thẳng cho đường tiếp tế và khiến quân đội phải hứng chịu các cuộc tấn công từ phía sau, họ đã tập trung chiến dịch vào phía đông Ukraine, sử dụng các cuộc tấn công bằng pháo tầm xa, đường không và tên lửa với quy mô lớn tập trung vào phạm vi mục tiêu nhỏ hơn. Người Nga cũng sẵn sàng oanh kích phần lớn các thị trấn để chiếm giữ hoặc bao vây chúng. Chiến đấu linh hoạt trong đô thị mà quân đội Ukraine chiếm ưu thế đã bị giảm thiểu ở Donbas, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng tạo điều kiện cho chiến xa bọc thép, không quân và tên lửa. Những vũ khí này, cũng như tỷ lệ binh lính ở đó, có lợi cho Nga hơn rất nhiều.

Tại Sievierodonetsk, chiến thuật của Nga - thường dùng pháo dọn đường trước khi đưa quân bộ binh vào nội thành - đã đặt ra cho các chỉ huy Ukraine một câu hỏi hóc búa: rút lui và sống để chiến đấu vào một ngày khác, hoặc giữ vững vị trí và có thể chứng kiến ​​một số quân tốt nhất của họ bị thiệt mạng hoặc bị bắt làm tù binh. (cuối cùng Ukraine đã chọn rút khỏi Sievierodonetsk vì biết không đủ sức giữ thành phố này)

Tổng thống Volodymyr Zelensky và các cố vấn của ông dường như tin rằng với đủ thời gian, vũ khí hạng nặng, viện trợ kinh tế và cam kết chính trị từ các đối tác phương Tây của Ukraine, quân đội của họ có thể lật ngược tình thế và vô hiệu hóa những thành quả gần đây của quân đội Nga. Trong khi Kyiv khẳng định rằng ngoại giao là cách duy nhất để chiến tranh có thể kết thúc, bản thân Zelensky đã tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Moscow sẽ phải đợi cho đến khi lực lượng Nga rút về tuyến trước ngày 24.2.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà Nga đã chiếm được tới 1/5 lãnh thổ Ukraine, lập trường của Zelensky có thể ngày càng trở nên kém vững chắc hơn. Các lực lượng Nga sẽ không tự nguyện rời khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm được với cái giá đắt như vậy chỉ đơn giản là để bắt đầu đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh, đặc biệt là vì Tổng thống Putin hiện nhận thấy tương quan đang có lợi cho lực lượng của mình. Trên thực tế, Điện Kremlin dường như đang tìm kiếm sự hiện diện lâu dài. Ở những vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, như Kherson, đã rộ tin đồn về một cuộc trưng cầu dân ý đưa khu vực này sáp nhập vào Nga. Tại các thành phố Kherson và Melitopol, hộ chiếu Nga đang được trao cho người dân, hầu như không phải là dấu hiệu cho thấy Nga đang nghĩ đến việc rút lui.

Nếu quân đội Nga rút lui sau các phòng tuyến kiên cố và Tổng thống Putin, trong nỗ lực gây mất đoàn kết giữa những người phương Tây ủng hộ Ukraine, tuyên bố chấm dứt "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình, thì khi đó các lực lượng Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều là đấy quân Nga khỏi các vùng lãnh thổ đã được Nga bố trí kín kẽ.

Để làm được điều đó, Ukraine sẽ yêu cầu các loại vũ khí mà nước này thiếu với số lượng đáng kể. Nói tóm lại, quân đội Ukraine sẽ phải xây dựng năng lực cho một cuộc tấn công quy mô lớn - và vào thời điểm mà nước này đang mất đi nhiều binh sĩ đã có nhiều kinh nghiệm chiến trường nhất. Có tới 200 quân Ukraine chết trên chiến trường mỗi ngày - tức là 6.000 quân một tháng. Những con số thương vong này sẽ khó có thể duy trì ở bất kỳ đội quân nào, chứ đừng nói đến việc tham gia vào một cuộc chiến tiêu hao đẫm máu, cường độ cao chống lại đối phương có ưu thế về hỏa lực.

Ukraine cũng phải tính đến viễn cảnh Tổng thống Putin sẽ đáp trả những nỗ lực tái chiếm lãnh thổ của Kyiv bằng các cuộc tấn công tên lửa và ném bom nhằm tăng thêm thiệt hại kinh tế khổng lồ mà Ukraine đã phải gánh chịu - lên tới 600 tỉ USD và trong đó là 100 tỉ USD thiệt hại cơ sở hạ tầng.

Thành công quân sự của Ukraine có mối liên hệ chặt chẽ với việc tiếp tục viện trợ vũ khí của Mỹ và châu Âu. Riêng Washington đã gửi hơn 5 tỉ USD thiết bị quân sự cho Kyiv kể từ khi chiến tranh bắt đầu và đang trên đà chuyển giao 4 hệ thống tên lửa tầm xa Himars, 15.000 quả đạn pháo, thêm 1.000 tên lửa chống tăng Javelin và 5 radar phản kích.

Nhưng cuộc chiến càng kéo dài, thì khả năng đoàn kết của phương Tây sẽ hao hụt càng lớn, đặc biệt là khi giá năng lượng tăng cao, lạm phát gia tăng và những lo lắng về suy thoái khiến các chính trị gia phương Tây tập trung vào chuyện trong nhà hơn. Thậm chí ngày nay, có một số bất đồng ở phương Tây về mục tiêu của Ukraine rốt cuộc là làm gì. Trái ngược với các nhà lãnh đạo của các nước Baltic, Ba Lan và Vương quốc Anh thì tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Đức, Olaf Scholz, không theo đuổi ý tưởng rằng Nga sẽ phải bị đánh bại về mặt quân sự. Thậm chí thủ tướng Ý, Mario Draghi, đã đề xuất một khuôn khổ hòa bình, với lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở đầu chương trình nghị sự.

Liệu sự chia rẽ này, do sự mệt mỏi vì Ukraine ngày càng sâu sắc, sẽ tăng lên khi cuộc chiến tiếp diễn, thì các chiến thắng của Ukraine ngày càng trở nên thưa thớt hơn và các nền kinh tế Âu – Mỹ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế ngày càng tăng? Không điều gì trong số này có thể biết trước. Nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu không nhận ra rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khó khăn hơn - không chỉ vì các sự kiện trên chiến trường mà còn do xu hướng kinh tế và chính trị ở các quốc gia vốn là những nước ủng hộ lớn nhất của Ukraine.

Cuối cùng, Zelenskiy và chính phủ của ông ta sẽ phải xác định điều gì là lợi ích tốt nhất của Ukraine. Nhưng những lựa chọn đó chắc chắn sẽ được định hình bởi hoàn cảnh mới gồm cả quân sự và phi quân sự, ngày càng rõ ràng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga đổi chiến thuật kiểu gì khiến Ukraine ngộp thở trên chiến trường, phương Tây rơi vào lục đục?