Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng đã phải xóa bỏ những hình ảnh lấy từ một video game để tuyên bố "đây là chứng cứ không thể chối cãi” về việc Mỹ bao che, dung túng bọn khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Nga dùng video game để chứng minh Mỹ bao che quân IS

Trần Trí | 15/11/2017, 12:43

Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng đã phải xóa bỏ những hình ảnh lấy từ một video game để tuyên bố "đây là chứng cứ không thể chối cãi” về việc Mỹ bao che, dung túng bọn khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

          

Chuyện bắt đầu sáng 14.11, Bộ Quốc phòng Nga tải lên Facebook và Twitter của bộ này 5 hình ảnh đen trắng chụp một đoàn xe tải được cho là rời làng Al-Bukamal do bọn IS kiểm soát để đến gần vùng biên giới Syria-Iraq vào ngày 9.11.2017, trong khi máy bay Mỹ đang bay yểm hộ đoàn xe.

Trên hai mạng xã hội này, Bộ viết “Đây là bằng chứng không thể chối cãi rằng không hề có chuyện đánh bọn khủng bố như toàn cộng đồng toàn cầu đã tin. Thực sự là Mỹ dung túng các đơn vị chiến đấu của bọn IS, giúp chúng phục hồi khả năng chiến đấu, tái triển khai và lợi dụng chúng để quảng bá các quyền lợi Mỹ ở Trung Đông”.

Hồi đầu tuần, khi bộ binh Syria có máy bay Nga yểm hộ đã giải phóng Al-Bukamal khỏi bọn IS, Nga đã cáo buộc “liên quân do Mỹ dẫn đầu đã hợp tác trực tiếp và ủng hộ bọn khủng bố IS”.

“Lỗi nhân viên dân sự đăng ảnh sai”

Ngay sau đó, nhà nghiên cứu Eliot Higgins của trang web điều tra Bellingcat và trang nghiên cứu quân sự Conflict Intelligence Team chứng minh được các hình ảnh mà Bộ Quốc phòng Nga tải lên mạng xã hội chính là hình chụp màn hình của trò chơi điện tử trên điện thoại di động có tên “AC-130 Gunship Simulator: Special Ops Squadron”, sản xuất hồi năm 2015.

Ông Higgins viết Twitter: “Đây là bằng chứng rõ nhất rằng Bộ Quốc phòng Nga là những tay nói dối không biết xấu hổ, lấy hình ảnh từ video game để tuyên bố này nọ, kèm cả vị trí và thời gian. Bất kỳ điều gì họ nói nói đều hoàn toàn không có giá trị 100%”.   

Các nhà nghiên cứu của Conflict Intelligence Team (một tổ chức bất vụ lợi chuyên điều tra hoạt động quân sự của Nga) xác định 3 ảnh “chứng cứ không thể chối cãi Mỹ giúp bọn IS” mà Nga đưa ra chính là hình ảnh chụp màn hình một đoạn vidéo do Bộ Quốc phòng Iraq công bố năm 2016 mô tả không quân Iraq ném bom bọn IS ở gần thành phố Falluja.

Đến trưa 14.11, Bộ Quốc phòng Nga phải xóa bỏ những hình ảnh đã tải, thừa nhận những phát hiện là đúng.

Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Quốc phòng Nga giải thích đó là “sơ sót” do một nhân viên dân sự đã đưa ảnh minh họa gắn lên tuyên bố của Bộ “có sự tương tác giữa liên quân do Mỹ dẫn đầu với bọn IS ở gần Al-Bukamal, Syria”.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nhân viên dân sự đang bị điều tra về vụ “đăng ảnh hư cấu”, nhưng vẫn khẳng định: “Thực tế là việc Mỹ từ chối không kích đoàn xe của bọn khủng bố rút khỏi Al-Bukamal đã được ghi lại trong biên bản các cuộc đối thoại, trong khi không quân Nga đã sẵn sàng tiêu diệt các phần tử khủng bố IS đang tái tập hợp để tấn công quân chính phủ gần Al-Bukamal”.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga cố tình chuyển tải các sự kiện theo ý riêng, theo báo Moscow Times. Khi đạo diễn Mỹ Oliver Stone thực hiện một phim tài liệu về Tổng thống Nga Vladimir Putin, có một cảnh ông Putin cho đạo diễn Stone xem một đoạn video trên điện thoại di động của ông, và ông nói đó là lính Nga hoạt động ở Syria.

Nhưng hóa ra đó là đoạn phim quay lính Mỹ ở Afghanistan. Sau khi cư dân mạng nêu vấn đề, người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin nói Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã gửi video đó đến Tổng thống Putin.

Các phe phái Mỹ-Nga ủng hộ đều dàn xếp với bọn IS

Theo  đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad hồi năm 2015,  Nga đã can thiệp quân sự, giúp quân đội Syria tái chiếm nhiều vùng đất từng bị bọn IS chiếm. Nga từ lâu đã chỉ trích phương Tây “chống lưng” các tổ chức cực đoan ở Syria.  

Bên cạnh đó, liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng đánh bọn IS, và phương Tây cáo buộc máy bay Nga ném bom tràn lan, tấn công cả các bệnh viện làm chết dân thường Syria. Theo Newsweek, các lực lượng mà Nga và Mỹ yểm hộ riêng rẽ đều có những thỏa thuận với bọn IS trong quá khứ. Sau khi cùng tấn công để đánh bại bọn IS ở vùng núi nằm giữa miền đông Lebanon và tây Syria hồi tháng 8,  quân đội Syria và quân đội Lebanon (có sự yểm trợ của tổ chức vũ trang Hezbollah) đã đạt thỏa thuận cho phép bọn IS đầu hàng, và được cùng gia đình di chuyển về cứ điểm cuối cùng của bọn IS là thành phố Deir Ezzor (miền Đông Syria).

Mỹ đã tính chặn kế hoạch này bằng cách tấn công đoàn xe, nhưng rồi bọn IS vẫn đến được Deir Ezzor. Đầu tháng 11, quân Syria và Hezbollah đã đánh bại bọn IS ở thành phố này.

Tháng 10 trước đó, quân Lực lượng dân chủ Syria  (SDF) có Mỹ yểm trợ đã tái chiếm Raqqa, thủ phủ của “Nhà nước Hồi giáo” IS.

Dù các tay súng địa phương phủ nhận những thông tin rằng có các thỏa thuận với bọn IS, điều tra của BBC News lại nêu chuyện Mỹ cho phép hàng trăm tên IS chạy thoát khỏi Raqqa, gồm một số tên qua Thổ Nhĩ Kỳ để có thể về nước của chúng.  

Liên quân do Mỹ dẫn đầu bác bỏ tuyên bố “chính xác như các cuộc không kích của chúng tôi” của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng thừa nhận “không thể nói chắc chắn đã xác minh từng tay súng rời khỏi Raqqa”.

Syria đòi Mỹ rút quân lập tức

Ngày 14.11, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố cứng rắn cảnh báo Mỹ và quân nước ngoài ở Syria mà không có sự chấp thuận của Tổng thống Assad, nói sự hiện diện của họ là vi phạm luật pháp quốc tế, và cáo buộc họ làm tình hình nội chiến Syria trầm trọng thêm.

Không như Nga và Iran có sự chấp thuận của Tổng thống Assad, Mỹ tự nhảy vào nội chiến Syria và còn đòi lật đổ ông. Và nay, sau khi tuyên bố toàn thắng bọn IS, Bộ Ngoại giao Syria đòi Mỹ và các đồng minh và phải rút quân lập tức.

Tuyên bố viết: “Sự hiện diện của quân Mỹ và quân đội nước ngoài ở Syria mà không có sự phê chuẩn của Tổng thống Syria là một hành động xâm lược và tấn công vào chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Syria Ả Rập, đồng thời vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ”.

Tuyên bố còn nêu Syria yêu cầu Mỹ rút quân lập tức và không điều kiện, vì sự hiện diện của Mỹ và một cuộc xâm lược chống lại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Syria. Tuyên bố này nhắm thẳng nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 13.11 rằng quân Mỹ sẽ không sớm rời khỏi Syria, vì “kẻ thù chưa tuyên bố thua trận, nên chúng tôi sẽ tiếp tục đánh khi nào chúng vẫn còn muốn đánh”, theo Reuters.

Tướng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Raymond Thomas hồi tháng 7 đã nói một khi bọn IS bị đánh bại, Nga có thể thách thức sự hiện diện tiếp tục của Mỹ ở Syria là vi phạm luật quốc tế.

Ngoại trưởng Nga  Sergei Lavrov bảo vệ sự hiện diện của Iran ở Syria như một đồng minh của chính phủ Tổng thống Assad. Ông chỉ trích Mỹ chưa chịu rút quân sau khi nghe tuyên bố của Bộ trưởng Mattis: “Nếu ai đó tìm hiểu ai là mối đe dọa lớn nhất, thì chính là Mỹ che chắn nhiều bọn khủng bố dưới danh nhóm vũ trang đối lập có Mỹ ủng hộ”, theo TASS.   

Ngày 13.11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi cả Mỹ và Nga đều rút khỏi Syria.  

Ngày 11.11, Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố chung, nêu “chưa có giải pháp quân sự nào cho chiến tranh ở Syria”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times, Newsweek)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga dùng video game để chứng minh Mỹ bao che quân IS