Theo tổ chức nghiên cứu 38 North (Hàn Quốc), công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho CHDCND Triều Tiên, giúp nước này thoát khỏi tình trạng phụ thuộc đường truyền của Trung Quốc.
38 North cho biết, tín hiệu kết nối từ Trans Telecom đã bắt đầu xuất hiệu trên cơ sở dữ liệu định tuyến mạng từ khoảng 17 giờ 38 phút (giờ Triều Tiên) ngày 1.10
Cho đến nay, người dùng mạng tại Triều Tiên lẫn những người bên ngoài truy cập vào các trang mạng của Triều Tiên đều dùng chung một đường truyền Star JV do công ty viễn thông China Unicom của Trung Quốc chịu trách nhiệm vận hành kể từ năm 2010.
Theo nhà phân tích hệ thống mạng toàn cầu Doug Madory của Viện nghiên cứu Dyn: “Đường truyền bổ sung từ Nga giúp Triều Tiên có thêm một kết nối mạng ra ngoài, tăng khả năng phục hồi (sau các cuộc tấn công) lẫn lưu lượng băng thông quốc tế”.
Trang Financial Times dẫn lời Trưởng ban công nghệ châu Á - Thái Bình Dương công ty FireEye Bryce Boland nhận định: “Đường truyền mới không chỉ giúp tăng khả năng phục hồi kết nối mạng của Bình Nhưỡng trước những cuộc tấn công vật lý, tấn công mạng lẫn tấn công chính trị mà còn giúp Nga có được tầm ảnh hưởng mới tại Triều Tiên”.
Việc Nga cung cấp đường truyền mạng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng và gây áp lực buộc Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với nước này, theo 38 North.
Tờ Washington Post ngày 30.9 cho biết, Bộ chỉ huy không gian mạng Mỹ (US Cyber Command) đang tiến hành một loạt cuộc tấn công chống lại tin tặc Triều Tiên, vô hiệu hóa máy tính của tin tặc và khiến kết nối mạng bị chậm hoặc không sử dụng được. Các vụ tấn công được thực hiện chỉ trong ngày 30.9
TTK là một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Nga, trực thuộc Tập đoàn đường sắt nhà nước Nga, 38 North cho biết.
Theo bản đồ cáp trên trang tin của TTK thì hệ thống dây cáp quang được đặt dọc theo đường sắt chạy từ thành phố Vladivostok đến biên giới Triều Tiên. Có đồn đoán cho rằng lối vào Triều Tiên duy nhất của đường dây cáp chính là dọc theo Cầu hữu nghị Nga-Triều, nơi có đường sắt chạy qua sông Đồ Môn (Triều Tiên gọi là sông Đậu Mãn) nối thành phố Khasan (Nga) với thị trấn Tumangang (Triều Tiên).
38 North cho biết đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tìm đường truyền thay thế cho Star JV. Trong năm 2012 tổ chức vệ tinh viễn thông quốc tế Intelsat đã cung cấp một đường truyền cho Triều Tiên, nhưng trong những năm gần đây thì chỉ còn đường truyền Star JV của China Unicom.
Đường truyền duy nhất này đã nhiều lần bị tin tặc tấn công. Tuy hầu hết vụ tấn công được quy cho nhóm tin tặc Anonymous, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng lần tấn công gần đây nhất là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, theo 38 North.
38 North cũng cho biết, có rất ít người dùng đến mạng Internet, nhưng luôn có sẵn mạng trong các trường đại học lớn, cho người nước ngoài sử dụng thông qua điện thoại thông minh, tại cơ quan chính phủ và công ty lớn. Gia đình các lãnh đạo lẫn những đơn vị không gian mạng của quân đội Triều Tiên cũng được cho là có truy cập mạng.
Ngoài ra, đường truyền mạng là rất quan trọng cho học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài, những người thường vào các trang mạng truyền thông của Bình Nhưỡng để lấy thông tin.
Cẩm Bình (theo 38 North, Financial Times)