Theo lăng kính bóng đá, Nga đang có những động thái thay đổi chiến thuật bằng việc chuyển sang pressing tầm cao khi muốn biến 4 vị trí Luhansk, Donestk, Kherson và Zaporozhye thuộc phần kiểm soát trên sân nhà, vẽ lại vạch trung tuyến.
Thủ lĩnh CHND Luhansk tự xưng là Leonid Pasechnik đã ký đạo luật tổ chức trưng cầu dân ý công khai ở Luhansk về việc đưa khu vực này vào Liên bang Nga, sau khi hội đồng nhân dân khu vực nhất trí ủng hộ động thái này và ấn định ngày bỏ phiếu rơi vào 23-27.9.
Ngay sau đó, nhà lãnh đạo vùng Donetsk là ông Denis Pushilin tuyên bố Donetsk cũng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào cùng ngày. Sau khi 2 tỉnh Donbas muốn gia nhập vào Nga thì các tỉnh khác trong vùng Nga đang chiếm đóng trên đất Ukraine cũng có động thái tương tự.
Lãnh đạo chính quyền quân sự-dân sự của Kherson, ông Vladimir Saldo, cho biết một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga sẽ được tổ chức tại khu vực này từ ngày 23 đến ngày 27.9.
Sau Kherson, chính quyền thành phố Zaporozhye – nơi đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine cũng quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga vào khung thời gian nêu trên.
Cũng chẳng cần đến sau 27.9 để biết kết quả cuộc trưng cầu. Theo báo chí Nga, đa số người dân ở các khu vực LPR, DPR, Kherson và Zaporozhye muốn gia nhập Nga sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc. 83% người dân LPR, 80% ở DPR, 72% ở Zaporozhye và 65% ở Kherson dự định bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga. Và sau đó, Quốc hội Nga bỏ phiếu tán thành và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh phê chuẩn là biên giới lãnh thổ Nga thay đổi.
Đây là những động thái thể hiện sự quyết liệt của phía Nga trong cuộc chiến với Ukraine và xa hơn là phương Tây. Sau khi các vùng trên trưng cầu dân ý và gia nhập Nga giống như Crimea thì Nga chính thức coi Luhansk, Donestk, Kherson và Zaporozhye là một phần lãnh thổ của Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào khu vực kể trên sẽ bị Nga coi là tấn công vào lãnh thổ của mình và Điện Kremlin có thể áp dụng bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ bao gồm cả tổng động viên hay dùng vũ khí hạt nhân.
Nước đi sát ván này của Nga sau khi thành công sẽ khiến phương Tây phải căng não suy nghĩ. Nếu tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kyiv thì thúc đẩy một cuộc chiến leo thang thực sự vì Nga lúc này bị đặt trong tình trạng tấn công. Còn nếu phương Tây kêu gọi Kyiv kiềm chế thì Nga coi như đạt một phần mục đích về lãnh thổ và phương Tây lo ngại Nga sẽ tiếp tục chiến lược tằm ăn dâu nữa.
Khi đó, giải pháp đối thoại về vấn đề Ukraine sẽ khó thành hiện thực. Nga không bao giờ nhượng lại những vùng đất mà họ coi là lãnh thổ của mình nữa. Kyiv, ít nhất là chính quyền tổng thống Volodymir Zelensky cũng tương tự, sẽ không thể chấp nhập mất một loạt 5 tỉnh miền đông nam (bao gồm bán đảo Crimea).
Có thể ví von thời gian qua, trận đấu giữa Nga và phương Tây trên sân cỏ Ukraine diễn ra khá dây dưa. Trong khi Nga chơi giữ sức, bố trí đội hình thấp thì phía phương Tây cũng rụt rè trong việc tung ngoại binh cho phía Kyiv. Những tháng gần đây, phương Tây liên tục đưa vũ khí hiện đại cho đội Kyiv gây khó khăn cho Nga trong một số khu vực.
Nhưng Nga đang có những động thái thay đổi chiến thuật bằng việc thay đổi sang pressing tầm cao khi muốn biến 4 vị trí Luhansk, Donestk, Kherson và Zaporozhye thuộc phần kiểm soát trên sân nhà, vẽ lại vạch trung tuyến. Khi đó, Nga có thể đưa nhiều hảo thủ, tăng cường nhân sự hoạt động ở khu vực này đưa bóng đến sát khung thành Kyiv hơn.
Trên cơ sở đó, đội Nga có thể cảnh báo CĐV của Kyiv vốn toàn hò hét trên khán đài không được ném vật thể lạ như pháo sáng xuống phần sân của Nga nữa. Nếu phương Tây không nghe lời hay bước xuống sân cỏ thì sự cố vỡ sân hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng cần nói thêm là trận đấu này không có trọng tài và nếu có thì cũng chỉ tồn tại giống trọng tài môn đô vật giải WWE mà thôi. Do vậy, khi Nga đã chơi pressing tầm cao thì trận đấu đó sẽ khốc liệt hơn nhiều mà phương Tây chắc vẫn chưa sẵn sàng chứng kiến.