Trong Sách trắng về chính sách với Bắc cực được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 26.1, Bắc Kinh thể hiện tham vọng hợp tác với các bên có quan tâm, trong đó có Nga để cùng xây dựng “Con đường tơ lụa Bắc cực”.
Sách trắng viết: “Một mặt, tình trạng băng tan ở Bắc cực đã làm thay đổi môi trường tự nhiên, hoặc có thể khiến hiện tượng ấm lên toàn cầu xảy ra nhanh hơn, làm mực nước biển dâng cao, các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, làm tổn thương đa dạng sinh học cùng nhiều vấn đề toàn cầu khác. Mặt khác, điều này khiến những điều kiện để phát triển Bắc cực dần thay đổi, tạo cơ hội sử dụng các tuyến thương mại biển và phát triển tài nguyên khu vực”.
Trên cơ sở này, Sách trắng đưa ra các quy định chi tiết để các đơn vị Trung Quốc tham gia mở các tuyến vận tải biển, khai thác tài nguyên, đầu tư vào du lịch, bảo tồn và nghiên cứu khoa học tại Bắc cực.
“Mục tiêu của chính sách với Bắc cực là: để hiểu biết, bảo vệ, phát triển và tham gia vào quản trị Bắc cực, bảo vệ lợi ích chung của tất cả quốc gia và cộng đồng quốc tế ở Bắc cực, thúc đẩy khu vực này phát triển bền vững”, Sách trắng viết.
Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng đạt được các mục tiêu đề ra bằng cách hợp tác với các quốc gia liên quan, trong đó có Nga, quốc gia đã có những nỗ lực lớn để gia tăng hoạt động tại Bắc cực.
Trong họp báo công bố Sách trắng về chính sách với Bắc cực, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyền Hựu cho biết: “Những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc hoặc lo lắng về tình trạng cướp bóc tài nguyên và hủy hoại môi trường là không cần thiết”.
Có thực sự không đáng lo?
Năm 1996, Hội đồng Bắc cực được thành lập với 8 thành viên: Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển. Sau đó, 13 quốc gia khác đã được kết nạp với tư cách quan sát viên, trong đó Trung Quốc tham gia vào năm 2013.
Một tháng trước, Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá tuy Bắc cực không phải ưu tiên trong chính sách đối ngoại, nhưng lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về ý định của quốc gia châu Á này.
Khi Bắc Cực ngày càng xuất hiện nhiều trong chương trình đối ngoại, Bắc Kinh đã tìm cách xây dựng quan hệ với các quốc gia Bắc cực lẫn quan sát viên. Trung Quốc đã tổ chức đối thoại với Pháp, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, những quốc gia đã tuyên bố sở hữu một số phần ở Bắc cực.
Từ năm 2013, Trung Quốc cũng thường xuyên thảo luận những vấn đề về Bắc cực với Nga, quốc gia duy nhất sản xuất tàu phá băng hạt nhân có khả năng đi đến những vùng lạnh giá nhất.
Và với Sách trắng vừa công bố, Bắc Kinh đã đưa Bắc cực vào sáng kiến Một vành đai, Một con đường đầy tham vọng của nước này. Tuy nhiên, giống như Nga, nỗ lực thương mại này có thể là cơ hội để cường quốc châu Á mở rộng hiện diện quân sự. Trong Luật An ninh quốc gia 2015, Bắc Kinh xác định “phải bảo vệ an ninh cho các hoạt động và tài sản của nước ta trên vũ trụ, dưới vùng đáy biển và ở các vùng cực”.
Theo SIPRI: “Sự hiện diện quân sự ở Bắc cực của Trung Quốc có vẻ sẽ tăng khi Bắc cực rộng mở (do tan băng), vì năng lực của hải quân Trung Quốc nâng cao và lợi ích của nước này tại đây tăng lên”.
Nga - Trung đã tăng cường hợp tác quân sự trong những năm gần đây. Vài tháng sau khi Luật An ninh quốc gia được thông qua, lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở biển Bering, tham gia vào một cuộc tập trận chung với Nga. Sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Nga - Trung sẽ chỉ giúp quan hệ song phương bền chặt hơn, khi họ đầu tư vào số dầu khí trị giá 35 nghìn tỉUSD ở Bắc cực.
Cẩm Bình (theo Tân Hoa Xã, Newsweek)