Tổng thư ký NATO cảnh báo hoạt động quân sự Nga tại Bắc Cực, và Trung Quốc ngày càng quan tâm đến khu vực này.
Trong chuyến thăm vùng Bắc Cực thuộc lãnh thổ Canada, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo tuyến bay ngắn nhất của tên lửa và máy bay ném bom Nga đến khu vực Bắc Mỹ là bay qua Bắc Cực.
Ông lưu ý Nga đã lập Bộ Tư lệnh Chiến lược Bắc Cực - được xây dựng trên cơ sở Hạm đội Biển Bắc - và Nga cũng đã lập nhiều căn cứ quân sự mới hoặc tái lập các căn cứ cũ thời Liên Xô ở Bắc Cực, gồm các sân bay và cảng nước sâu.
Phát biểu tại căn cứ quân sự Canada ở thành phố Cold Lake thuộc tỉnh Alberta hôm 26.8, ông Stoltenberg nói: “Chúng ta ghi nhận việc Nga tăng cường khả năng quân sự với các căn cứ mới, vũ khí mới, và cũng sử dụng Bắc Cực làm nơi thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại nhất của họ, gồm các tên lửa siêu thanh”.
Ông còn lưu ý việc Trung Quốc đã tự phong là một “quốc gia cận Bắc Cực”, Bắc Kinh đã có kế hoạch đóng tàu phá băng lớn nhất thế giới, và chi hàng chục tỉ USD vào mảng năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án nghiên cứu ở Bắc Cực.
Trong Sách Trắng năm 2018, Bắc Kinh tự phong “là một quốc gia gần Bắc cực”, dù Trung Quốc cách Bắc Cực những 1.450 km. Bắc Kinh vào năm 2017 cũng tuyên bố sẽ kết nối vùng đất lạnh này vào chương trình cơ sở hạ tầng Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) do Trung Quốc xây hoặc cấp tiền để xây dựng đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.
Theo Reuters, Trung Quốc nuôi tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như mở nhanh hoạt động thương mại ở “Cung đường biển phương Bắc”, còn gọi là “Con Đường Tơ lụa Bắc Cực”.
Ông Stoltenberg nói: “Bắc Kinh và Moscow cũng hứa tăng cường hợp tác thực địa tại Bắc Cực, đào sâu quan hệ đối tác chiến lược để thách thức các giá trị và quyền lợi của chúng ta”.
Ông hoan nghênh việc Canada mới đây tuyên bố sẽ tăng khoản chi quốc phòng. Canada là một thành viên NATO, từng bị chỉ trích chi quốc phòng thấp.
Nhưng sau chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, hồi tháng 6 Ottawa đã nói sẽ đầu tư 4,9 tỉ đôla Canada (3,8 tỉ USD) trong 6 năm tới để hiện đại hóa Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), một cơ quan quân sự phối hợp giữa Canada với Mỹ.
Cùng đi với Tổng thư ký NATO, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada phát biểu: “Tình hình địa chính trị đã thay đổi trong vài tháng qua giải thích vì sao Nga đang là một mối lo ngại ngày càng lớn đối với tất cả chúng tôi, đúng vào lúc chúng tôi muốn chia sẻ với tổng thư ký và với NATO về tất cả những điều chúng tôi đang làm thông qua NORAD”.
Hai ông Trudeau và Stoltenberg hôm 25.8 đã thăm Vịnh Cambridge ở đầu mũi Bắc Cực, nơi có một trạm radar của lực lượng phòng không. Trạm này là một phần của Hệ thống Cảnh báo Phương Bắc (NWS) của NORAD và các chuyên gia nói trạm đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được nâng cấp.
NWS được lập nhằm phát hiện các đe dọa an ninh nhằm vào khu vực Bắc Mỹ, và radar cảnh báo sớm dành cho vùng cực bắc đã có từ cuối những năm 1980. Canada đã hứa sẽ chi hàng tỉ USD mua khí tài quân sự mới, gồm mua các chiến đấu cơ mới và nâng cấp NWS.
Thủ tướng Canada và Tổng thư ký NATO đồng ý rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận đối với các hoạt động kinh tế và quân sự, làm tăng những lo ngại an ninh.
Vịnh Cambridge là một trong những điểm dừng cho các tàu băng qua Hành lang Tây Bắc của Bắc Băng Dương và kết nối với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Mỹ đã thách thức việc Canada tuyên bố chủ quyền Hành lang Tây Bắc và nói đó là một tuyến hàng hải quốc tế. Khi được hỏi về vấn đề này hôm 26.8, Thủ tướng Trudeau nói Hành lang này thuộc lãnh hải Canada.