Nhiều năm nay diễn ra nghịch lý người dân bỏ hoang ruộng đất, trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận được đất nông nghiệp diện tích lớn để canh tác.

Ngân hàng đất nông nghiệp: Lời giải cho bài toán đất đai bỏ hoang trong khi DN khó tiếp cận

Hoài Lam | 20/10/2022, 17:21

Nhiều năm nay diễn ra nghịch lý người dân bỏ hoang ruộng đất, trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận được đất nông nghiệp diện tích lớn để canh tác.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết nguyên nhân do Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông, lâm, ngư có đất để sản xuất nên Luật Đất đai có những quy định hạn chế việc tiếp cận đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế nói chung và doanh nghiệp có vốn nước ngoài nói riêng.

Cụ thể là tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, phòng hộ… của hộ gia đình cá nhân. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án phát triển đất nông nghiệp.

Cũng theo ông Tuyến, tâm lý của người nông dân hiện nay cũng không muốn góp đất vào doanh nghiệp, vì họ lo lắng doanh nghiệp phá sản thì họ mất đất. Trong khi đó, luật pháp của Việt Nam lại chưa quy định rõ để xử lý những vấn đề này nên người nông dân không yên tâm góp đất.

tuyen(1).jpg
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội - Ảnh: Trí Lâm

Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển cho thu nhập cao” đã định hướng “xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp”.

Thực hiện chủ trương này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về ngân hàng đất nông nghiệp.

Cụ thể, ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Kinh phí hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất quy định tại khoản 2 Điều này.

nh-2.jpg
Ngân hàng đất nông nghiệp hứa hẹn giải quyết được mâu thuẫn DN khát đất trong khi dân bỏ hoang ruộng

Nói với Một Thế Giới, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho biết một số địa phương như Hà Nam, Thái Bình, UBND xã đứng ra thuê lại đất, đổi đất của hộ gia đình, cá nhận để gom thành những khu đất lớn, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại để làm dự án sản xuất nông nghiệp.

“Xét về mặt pháp lý, điều này không đúng, nhưng thực tế nó lại giải quyết được bài toán doanh nghiệp tiếp cận được đất và đất không bị bỏ hoang, người nông dân lại có thêm thu nhập từ việc cho thuê đất”, ông Doanh nói.

Do đó, ông Doanh cho rằng việc lập ra ngân hàng đất nông nghiệp có thể tháo gỡ được nhiều vướng mắc về pháp lý trong việc tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất để đưa vào luật, còn quy định cụ thể thế nào thì nhà làm luật cần phải lường được các tình huống để quy định chặt chẽ, vừa tạo điều kiện cho bất động sản nông nghiệp phát triển đồng thời ngăn chặn được vấn đề lợi ích nhóm, thâu tóm đất đai.

doanh-2(1).jpg
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến cũng đồng quan điểm rằng mô hình “ngân hàng đất nông nghiệp” này thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Thêm nữa, điều này cũng góp phần thúc đẩy phân khúc thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển theo hướng công khai, lành mạnh.

“Khi đó, người nông dân có đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang thì họ cho thuê vào ngân hàng đất nông nghiệp. Ngân hàng này cho các doanh nghiệp thuê lại và trích từ tiền đó trả cho người nông dân. Như vậy, người nông dân vẫn giữ được đất, đồng thời có thêm thu nhập từ mảnh đất của mình, doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại. Việc này cũng tương tự như việc người dân có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm vậy”, ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Tuyến cho rằng trong dự thảo mới nhất mới chỉ khái quát một số vấn đề liên quan đến mô hình này.

Ví dụ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp.

“Tôi băn khoăn là đã gọi là ngân hàng, cho dù là ngân hàng đất nông nghiệp có tính đặc thù thì nó phải chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng. Điều này hiện chưa được quy định rõ”, ông Tuyến nói.

Ngoài ra, ông Tuyến cũng băn khoăn ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự quản lý của Ngân hàng nhà nước hay không? Có nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại nói chung hay không hay đây là doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh theo tính chất ngân hàng? Nếu là doanh nghiệp đặc biệt thì không nên để là “ngân hàng”. Nếu đây là doanh nghiệp do Nhà nước thành lập thì có chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hay không?

Cũng theo chuyên gia này, cần phải làm rõ cơ quan nào quản lý ngân hàng đất nông nghiệp. “Ngân hàng đất nông nghiệp do Chính phủ thành lập nhưng ai thay mặt Chính phủ quản lý mô hình này? Bộ NN-PTNN hay Bộ Tài nguyên – Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước? Cơ cấu tổ chức ra sao, ai bổ nhiệm, nguồn vốn lấy từ đâu, việc huy động vốn thế nào? Các loại đất phi nông nghiệp nhàn rỗi có được gửi ở ngân hàng này hay không? Điều kiện thuê lại đất của ngân hàng đất nông nghiệp này thế nào? Nếu doanh nghiệp phá sản thì việc xử lý quyền sử dụng đất này thế nào?”

Ông Nguyễn Quang Tuyến cũng khuyến nghị nên thí điểm ở một số địa phương để xem xét, tổng kết rồi phát triển rộng rãi.

Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước tích cực tìm giải pháp 'cứu' SCB
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu khẩn trương, tích cực tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB từng bước phục hồi và hoạt động bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng đất nông nghiệp: Lời giải cho bài toán đất đai bỏ hoang trong khi DN khó tiếp cận