Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có cơ sở pháp lý hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19

12/03/2020, 19:54

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có cơ sở pháp lý hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách vay trước dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Ngày 12.3.2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại buổi thông tin về thông tư này, theo Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Thông tư 01 được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông tư này đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Quan điểm xây dựng thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng”, ông Tú nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư gồm 3 chương và 10 điều. Trong đó, thông tư có quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng, có tiêu chí đánh giá khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thông tin, tính đến ngày 4.3, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Tính đến ngày 4.3 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên của Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Qua đó, toàn hệ thống ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Phan Diệu

Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng vào ngày mai 25.4
Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào sáng 25.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
36 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19