Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trong quá trình xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Việc này sẽ làm các ngân hàng quốc doanh giảm cổ tức nộp cho ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ ngân sách nhà nước đã gián tiếp hỗ trợ nhất định cho tiến trình xử lý nợ xấu.
Trình bày báo cáo giải trình về Nghị quyết xử lý nợ xấu trước Quốc hội chiều 12.6, ông Vũ Hồng ThanhChủ nhiệm Ủyban Kinh tế Quốc hội nêu rõ,nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưavề mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Đại biểuCao Đình Thưởng (Phú Thọ) băn khoăn: “Liệu khi ban hành nghị quyết này có hay không một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu vô can, miễn tội? Điều này cần phải giải thích rõ. Không miễn trừ trách nhiệm người gây ra nợ xấu dùđãxử lý được”.
Tương tự, đại biểuTrần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng việc xử lý nợ xấu được áp dụng với mọi khoản nợ xấu trong suốt thời hạn có hiệu lực 5 năm của nghị quyết, kể cả nợ xấu tồn tại cũ cũng như nợ xấu phát mới trong giai đoạn tới đây là quá rộng, không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quan hệ tín dụng.
“Nghị quyết này là tình huống đặc thù để xử lý nợ xấu đặc thù trước đây. Với lý do đó, tôi đề nghị thu gọn lại là chỉ xử lý những nợ xấu đến giai đoạn 31.12.2016. Cần phải để các tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu phát sinh, theo quy định của pháp luật”, đại biểu Minh đề nghị
Giải trình dự thảo Nghị quyết nợ xấu với các đại biểu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Như mục tiêu ban đầu đã định, việc ban hành Nghị quyết không sửa đổi các luật khác, nó áp dụng như một văn bản chuyên ngành nên không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho các tổ chức tín dụng”.
Về phạm vi xử lý nợ xấu, ôngcho rằng việc áp dụng với các khoản nợ cũ và nợ phát sinh khi áp dụng nghị quyết là rất cần thiết, vì nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh, song hành cùng hoạt động tín dụng.
Theo đó, trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3-1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan.
“Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi năm 16% thì dự kiến 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350 nghìn tỉ đồng. Để duy trì mục tiêu nợ xấu dưới 3% trong 5 năm tới thì mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỉ đồng (trong tổng cộng hơn 600.000 tỉ đồng). Như vậy nếu chỉ xử lý nợ xấu cũ thì số nợ xấu mới phát sinh sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế”, ông Hưng nói.
Thống đốc cũng cho biết, việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ. Vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế.
“Chúng tôi tin chắc với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm. Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới”, ông Hưng nói thêm.
Hoài Phong