Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển với nhiều kết quả bước đầu quan trọng như trong sản xuất lắp ráp ô tô, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã nội địa hóa được khoảng 10%. Đơn cử, cứ một chiếc xe giá 1 tỉ đồng, chúng ta đóng góp 100 triệu đồng, nhỏ nhưng rất quan trọng.

Ngành công nghiệp hỗ trợ: ‘ Cứ chiếc ô tô 1 tỉ, Việt Nam đóng góp được 100 triệu’

Phan Diệu | 27/11/2016, 04:51

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển với nhiều kết quả bước đầu quan trọng như trong sản xuất lắp ráp ô tô, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã nội địa hóa được khoảng 10%. Đơn cử, cứ một chiếc xe giá 1 tỉ đồng, chúng ta đóng góp 100 triệu đồng, nhỏ nhưng rất quan trọng.

Đây là nội dung được nêu ra tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mục tiêu của nước ta hiện nay là phải phát triển kinh tế vừa nhanh vừa bền vững. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, chỉ hơn 200 tỉ USD trong khi chất lượng nền kinh tế và hiệu quả còn thấp do vẫn dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động dồi dào.

Phó Thủ tướng cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển với nhiều kết quả bước đầu quan trọng như trong sản xuất lắp ráp ô tô, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã nội địa hóa được khoảng 10%. Đơn cử, cứ một chiếc xe giá 1 tỉ đồng, chúng ta đóng góp 100 triệu đồng, nhỏ nhưng quan trọng.

Đáng chú ý, mặc dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn hạn chế.

Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nói rằng trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây diện, ắc quy, sản phẩm nhựa... Đặc biệt, chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì cần phải chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư vào công nghệ phù hợp, mặt khác nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Việt Nam không thể trở thành các nhà cung cấp cho các công ty lớn nếu không có đủ nguồn lực, đủ trình độ quản trị doanh nghiệp.

Hiện tại, nước ta có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI quy mô lớn hoạt động với nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối, tham gia chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn này. Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với các doanh nghiệp FDI.

Trước thực trạng này, ông Bùi Thanh Nam - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam, đồng thời thu mua sản phẩm công nghệ hỗ trợ tại chỗ. Đây là điều kiện rất quan trọng để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Bởi lẽ, các doanh nghiệp toàn cầu thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng trong chuỗi của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch.

Ông Trương Thanh Hoài lại nói chúng ta cần xác định vai trò của Nhà nước và cần có những chính sách ưu đãi. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Hòa, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định ưu đãi có thể làm méo mó thị trường do doanh nghiệp được ưu đãi và không tập trung tạo nguồn để sản phẩm kết nối được chuỗi cung ứng trên thế giới. Chúng ta cần phải lôi kéo doanh nghiệp FDI đầu đàn và xây dựng những tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam đầu đàn để kéo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Trước các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực rất khó. Các giải pháp, chính sách đưa ra rất nhiều nhưng vấn đề quan trọng là phải dựa vào doanh nghiệp. Định hướng của Chính phủ là làm thế nào để gắn doanh nghiệp với các nhà khoa học, các tổ chức tín dụng tài chính; gắn doanh nghiệp với vấn đề tháo gỡ khó khăn của nhà nước; gắn doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tàu.

Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020 nhằm kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Song song đó là áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ... Chương trình được phân kỳ làm 2 giai đoạn, với mức kinh phí giai đoạn 2016 – 2020 là 1.232 tỉ đồng; giai đoạn từ 2021 – 2025 là 1.127 tỉ đồng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành công nghiệp hỗ trợ: ‘ Cứ chiếc ô tô 1 tỉ, Việt Nam đóng góp được 100 triệu’