Trong thời gian tới, khả năng phục hồi của ngành chưa rõ ràng, phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhu cầu dệt may, da giày sẽ khó tăng trưởng, số đơn hàng mới giảm sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, có thể phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Ngành dệt may gặp khó do COVID-19, nhiều DN có thể phá sản hoặc ngừng hoạt động

05/08/2020, 11:54

Trong thời gian tới, khả năng phục hồi của ngành chưa rõ ràng, phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhu cầu dệt may, da giày sẽ khó tăng trưởng, số đơn hàng mới giảm sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, có thể phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Ngành dệt may gặp khó do COVID-19 - Ảnh: Internet

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCIF (Bộ KH-ĐT), dịch bệnh COVID-19 làm ngưng trệ xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ và EU cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều ngành. Ngành dệt may, da giày Việt Nam là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá rõ ràng từ dịch bệnh.

Xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm đạt 12,77 tỉ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với ngành giày dép, xuất khẩu giày dép các loại trong 6 tháng đầu năm đạt 8,14 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó mức độ giảm của cả hai ngành trong quý 2 cao hơn quý 1 (đối với ngành dệt may quý 1 giảm 1,4%, quý 2 giảm 28,1%, ngành da giày quý 1 tăng 5,7%, quý 2 giảm 16,9%) cho thấy tác động mạnh hơn của dịch COVID-19 tới xuất khẩu của hai ngành.

Trong 6 tháng, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,19 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với 1,64 tỉ USD, giảm 7%; thị trường EU (28 nước) đứng thứ ba với 1,6 tỉ USD, giảm 19,2%...

NCIF cho rằng ngành dệt may, da giày gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn. Tình hình nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may, da giày cũng giảm tương ứng, trong 6 tháng đầu năm nhập khẩu bông giảm 14%, sợi dệt giảm 20%, vải giảm 15,3%, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 14,1%.

Hiện nay, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường này đều có xu hướng sụt giảm.

Trong 6 tháng qua, Trung Quốc duy trì là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, đạt trị giá 4,93 tỉ USD, giảm 13%, tương ứng giảm733 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 48% trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này.

Hệ quả là các doanh nghiệp trong ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lao động. Ngành dệt giảm 21,22% về lao động và 38,43% về doanh thu; ngành sản xuất trang phục giảm 19,66% về lao động và 22,06% về doanh thu; ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 28,39% về lao động và 29,23% về doanh thu.

Hai ngành dệt may và da giày nằm trong số những ngành thâm dụng lao động nhất (bình quân mỗi doanh nghiệp ngành dệt may sử dụng 170 lao động còn mỗi doanh nghiệp ngành da giày sử dụng 600 lao động), do đó mức sụt giảm lao động trên cho thấy rất nhiều lao động trong ngành đang mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng do dịch bệnh.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong nước liên tục nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU. Một số doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng mà chưa thể xuất đi nên phải chịu chi phí lưu thông kho bãi.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, vướng mắc về nguyên phụ liệu của hai ngành dệt may và da giày đã phần nào được cải thiện từ khoảng giữa tháng 3. Tuy nhiên, hai ngành này lại đối mặt với khó khăn về đầu ra khi Mỹ và EU đã có các yêu cầu hoãn và dừng đơn hàng trong tháng 4 và 5; trong khi đơn hàng tháng 6 tạm thời chưa đàm phán.

Với tình hình thị trường xuất khẩu hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành may mặc chỉ còn trông chờ vào thị trường khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu của Hàn Quốc hiện cũng sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị trường trong nước gần như cũng bị tê liệt với lượng tiêu thụ sụt giảm đến hơn 80%. Nhiều cơ sở may mặc quy mô nhỏ kiểu hộ gia đình đã tạm ngưng hoạt động. Một số doanh nghiệp lớn hiện đã phải bắt đầu cho công nhân nghỉ việc luân phiên để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, khả năng chi trả lương chờ việc của các doanh nghiệp cũng chỉ có thể duy trì được trong vòng từ 2-3 tháng.

Trong thời gian tới, khả năng phục hồi của ngành chưa rõ ràng, phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhu cầu dệt may, da giày sẽ khó tăng trưởng, số đơn hàng mới giảm sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, có thể phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành dệt may gặp khó do COVID-19, nhiều DN có thể phá sản hoặc ngừng hoạt động