Cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Vì vậy sắp tới, ngành thuế cho biết sẽ đưa các quán cóc, quán vỉa hè, xe ôm... vào tầm quản lý.

Ngành thuế nêu lý do đưa xe ôm, quán cóc vào tầm quản lý

25/12/2018, 17:24

Cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Vì vậy sắp tới, ngành thuế cho biết sẽ đưa các quán cóc, quán vỉa hè, xe ôm... vào tầm quản lý.

Tổng cục Thuế sẽ quản lý dữ liệu của những cá nhân kinh doanh quán cóc, quán vỉa hè, xe ôm - Ảnh minh họa từ Internet

Cụ thể, lãnh đạo ngành thuế mới đây đã ra chỉ đạo ngành thuế các cấp thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như: xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, quán vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...).

Cơ sở để đưa xe ôm, quán cóc, quán vỉa hè... vào "tầm ngắm" quản lý thuế của ngành này được dựa trên tính toán năm 2017, cả nước có hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh. Sau khi loại trừ những người hoạt động tự do như: xe ôm, xây dựng tư nhân, quán vỉa hè, chợ cóc... thì còn lại hơn 2,21 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ quản lý hơn 1,6 triệu hộ, ít hơn 581.700 hộ. Theo đó, cơ quan này nhận định số hộ nói trên dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế.

Quyết định trên đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Lên tiếng lý giải vấn đề, đại diện Tổng cục Thuế nói hiện vẫn còn 581.700 hộ kinh doanh nằm ngoài hoạt động quản lý thường xuyên của cơ quan thuế. Để xác định chính xác số liệu chênh lệch nêu trên có thực sự là số lượng hộ kinh doanh mà ngành thuế chưa đưa vào quản lý hay không, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các địa phương rà soát tại địa bàn, phát hiện và đưa vào diện quản lý những hộ kinh doanh còn bỏ sót.

Theo đại diện ngành thuế, việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên. Mục đích là đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, cơ quan thuế sẽ ra thông báo yêu cầu nộp thuế.

Theo quy định hiện hành, hằng năm các cơ quan thuế có trách nhiệm rà soát thường xuyên tại địa bàn để đưa vào diện quản lý và công khai thông tin, bao gồm cả những hộ kinh doanh chưa đến mức nộp thuế.

"Việc thực hiện công khai thông tin hộ khoán thuộc diện quản lý thuế nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát của người dân, các hộ kinh doanh cùng địa bàn, chính quyền địa phương, qua đó hạn chế tối đa sự thỏa thuận ngầm nếu có giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh", đại diện ngành thuế giải thích.

Lý giải rõ hơn về con số hơn nửa triệu hộ kinh doanh chưa đưa vào diện quản lý, ngành thuế cho biết số liệu tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số cơ sở kinh tế cá thể là hơn 4,3 triệu cơ sở. Trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh đang quản lý thường xuyên của cơ quan thuế năm 2018 là gần 1,7 triệu hộ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch lớn về số liệu là do có sự khác nhau giữa tiêu chí thống kê và tiêu chí quản lý thuế. Cụ thể, mục tiêu của việc thống kê là nhằm đánh giá sự phát triển về lao động, thu nhập trong dân cư, từ đó xác định mức độ đóng góp vào GDP, cơ cấu, phân bổ địa bàn... Do đó, bất cứ thành phần dân cư nào có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản bản thân và gia đình, cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê.

Trong khi đó, tiêu chí quản lý của cơ quan thuế là những đối tượng thuộc diện chịu thuế theo Luật Thuế. Đặc biệt, trong điều kiện số lượng hộ kinh doanh quá lớn, nhân lực ngành thuế có hạn thì việc quản lý thuế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hộ kinh doanh có tính thường xuyển, ổn định, quy mô lớn và vừa, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp.

Sau khi loại trừ các nhóm kinh tế cá thể khác tiêu chí quản lý thường xuyên của cơ quan thuế thì số liệu chênh lệch vẫn còn là 581.700 hộ kinh doanh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành thuế nêu lý do đưa xe ôm, quán cóc vào tầm quản lý